Translate

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

ĐƯỜNG ĐẾN CHÍN RỒNG, NXB VĂN HỌC 2014 (trích đoạn)


Chăn trâu nhà người

Mới bước vào đợt giảm tô cải cách ruộng đất, nhà Tám đã bị bao vây. Lúa khoai gia đình Tám trồng bị thu hết sạch. Cả nhà không có cái ăn. Mẹ kế Tám phải lặn lội đi vay. Vay từng bơ gạo, từng rổ khoai. Cha Tám cũng đi vay. Sau này ông cụ mất, nhiều người còn nhắc lại món nợ, nhưng họ thương cha Tám, chỉ nhắc cho biết. Mỗi bữa ăn anh em Tám chỉ được khoảng dăm ba củ khoai. Cha Tám cũng ăn khoai. Họa hoằn lắm mới có tí gạo thì dành cho cha Tám và em út. Đói quá, ai cũng xanh xao vàng vọt, chết đến nơi rồi. Tám thương cha, thương anh chị, thương em, nhưng không làm gì để giúp gia đình được. Cuối cùng Tám quyết định đi ở làm thuê.
    
 Một hôm Tám lên chợ Mới ở thôn Minh Lệ, cách nhà Tám năm cây số, hỏi xem có ai thuê ở không. Tám được biết ở Phú Mỹ, có thể có người cần thuê trẻ con ở chăn trâu. Tám gặp cô Tư, vốn là người hàng xóm lấy chồng ở Phú Mỹ, đang bán sắn ở chợ Mới. Cô ấy bảo cứ vào ở tạm nhà cô rồi tìm người thuê. Tám theo cô Tư, lên đò dọc, vào Phú Mỹ. Tám lên đò nhưng cứ dán mắt về phía chợ Mới, về phía xóm làng mờ xa kia. Tám bắt đầu cảm thấy nhớ nhà. Không biết bao giờ cho hết cơ cực để Tám trở về với gia đình, với người cha thân yêu.
         
Đến Phú Mỹ, Tám ở tạm nhà cô Tư. Vài hôm sau có người thuê. Đó là anh Khản, con rể ông Ân. Anh Khản mới lấy vợ, ở riêng, mới có một đứa bé, neo người nên phải thuê đứa ở. Công việc của Tám là chăn trâu và dắt trâu kéo gỗ từ rừng sâu về nhà. Từ đó Tám không có thông tin gì ở nhà nữa. Một hôm có anh Hoàng, em anh Khản đến chơi, hỏi hoàn cảnh nhà Tám. Anh ấy hỏi, ông cụ có bị giam không. Tám nói không. Anh nói, đấy là mới giảm tô thôi, tiếp theo đây họ làm mạnh lắm. Anh Hoàng ở ngoài Hà Tĩnh mới về nên anh biết.

Tám bỏ đi, cả nhà đi tìm. Một hôm Tám thấy mẹ kế đến nhà anh Khản, không biết làm sao bà biết Tám ở đây. Bà cho biết cha Tám đã bị bắt giam. Tám thương cha, Tám khóc.

Núi cao gặp hổ

Như thường lệ, hôm đó Tám dắt trâu theo ông chủ vào rừng sâu. Sau khi ông chủ và mấy người lớn đốn xong gỗ, chuẩn bị dây đeo ách cho trâu, Tám dắt trâu đến quàng ách vào để kéo gỗ về. Giữa rừng đại ngàn, đi sâu khoảng vài ba cây số là có cây cao to vài chục mét, có cây người ôm không xuể. Cây gỗ Tám sắp cho trâu kéo, dài hơn chục mét, đường kính khoảng hơn ba gang tay người lớn.

Tám dắt trâu đi theo đường kéo gỗ. Đường này do kéo gỗ lâu ngày và do nước mưa xói nên bị bào mòn xuống thành cái rãnh, sâu ngang vai người. Tám cầm dây thừng buộc mũi trâu đi trước, đằng sau là con trâu kéo khúc gỗ to dài. Mỗi khi qua chỗ dốc, khúc gỗ lăn bịch bịch theo chân trâu. Đi được một quãng thì đến khu vực nhiều bụi rậm. Đang đi, bỗng nhiên Tám nghe tiếng “uỵch” một cái rồi ngất luôn, không còn biết gì nữa. Khi Tám tĩnh lại thấy mình đang nằm trên bãi cỏ, máu tràn đầy mặt mũi, quần áo bị chà xát rách bươm và bê bết máu. Toàn thân Tám bị bong cợp hết da, máu ứa đầy người. Chung quanh là mấy người lớn. Họ lấy thuốc lào và lông d. đắp vào vết lõm trên trán Tám. Tám sờ lên trán mới biết trán mình bị móp xuống, một bên vết thương xương nhô ra. Con trâu đã giẫm lên đầu Tám. Mấy người lớn nói, thủng trán rồi. Họ vội vàng cõng Tám về nhà. Sau đó Tám lại ngất vì máu ra quá nhiều. Mọi người cứ nghĩ Tám chết rồi. Sáng hôm sau Tám mới tỉnh dậy, sờ lại vết thương mới biết trán bị móp, xương trán bị biến dạng, một khối xương nhô ra. Thỉnh thoảng ông chủ lại sờ người Tám rồi bôi đủ thứ vào trán mà ông cho là thuốc: thuốc lào, lông cu ly, lá cây rừng, lông d...

Ngày hôm sau Tám nghe người lớn kể lại, lúc Tám dắt trâu qua chỗ rậm, họ cách xa Tám, quãng này rất vắng. Tự nhiên họ nghe có tiếng sột soạt mạnh gần chỗ Tám dắt trâu, rồi tiếng trâu và gỗ lao đi huỵch huỵch. Họ chạy tới, thấy Tám nằm giữa vũng máu, người bị kẹt giữa đường rãnh. Thì ra lúc trâu qua đường vắng, một con hổ đã liều mạng xông ra, trâu vùng lên, nó bỏ chạy, trâu lao về phía trước, đạp lên đầu Tám, tiếp theo là khúc gỗ nặng hàng tấn chà qua người Tám. Cả thi thể Tám vo viên lại.

Mấy ngày sau vết thương rất đau, ngày một thêm đau, nhưng Tám thấy đầu óc bình thường, không có triệu chứng xấu gì về tư duy và trí nhớ. Mấy ngày sau vết thương bắt đầu se dần. Từ đấy Tám cứ xem như mình đã một lần chết. Sau này Tám còn gặp nhiều chuyện nguy hiểm tính mạng nữa, nhưng rồi qua, nhiều lúc do sự nhanh trí, nhưng đa phần là do may mắn. Tám có cảm giác, có một vị thần linh nào đó, đang ngày đêm phù hộ cho Tám. Tám thầm cản ơn ngài.

Sau khoảng một tuần, Tám lại đi chăn trâu như thường lệ. Thấy Tám, bọn trẻ cùng chăn trâu xúm lại. Chúng nó bảo, nghe nói mày bị lòi óc ra mà không chết. Đứa thì bảo, nghe nói khi mày bị trâu giẫm người ta thấy óc mày lõng bõng, người ta phải lấy áo bịt lại để khỏi trào ra. Có đứa nói như một cụ già: Số mày hổ vồ trâu dẫm mà không chết, chắc rồi sống lâu lắm. Mười ba tuổi đầu, phải nếm cái đắng cay nhất của cuộc sống. Sau này, nhờ có chí học hành, Tám có bằng cấp, có vài cống hiến có giá trị cho đời, nhưng cứ nghĩ đến những ngày gian khổ đó, Tám càng căm hờn bọn lãnh đạo.



Giành lại nhà

Trong cải cách ruộng đất gia đình Tám bị chiếm hết nhà cửa. Mấy anh chị em Tám bị đuổi ra một cái chòi tranh dột nát. Không giường chiếu, không nồi niêu bát đũa. Áo quần rách bươm, lạnh thấu xương, đêm thường không ngủ được, phải nhặt lá và que khô nhóm lửa sưởi. Không còn gì để ăn. Hai anh Tám phải vào tận rừng nhặt hạt dẻ hoặc gánh củi bán.

Bố mẹ Tám có hai cái nhà, một cái nhà lớn và một cái nhà bếp rộng. Nhà lớn ba gian hai hồi, kiểu cổ, cột lim, các vì kèo đều chạm trổ, lợp ngói nam. Nhà lớn vẫn nguyên còn nhà ngang bị chia cho nông dân Trọng, đã bị dỡ mang về xóm dưới. Nền đất nhà ngang còn lại chúng cho mẹ con mụ Ròn dựng nhà. Nhà nậy có hai hộ ở: Vợ chồng lão Tấu và vợ chồng lão Thường. Lão Tấu là bộ đội phục viên. Vợ lão là con một bà làm nghề buôn thúng bán mẹt ở xóm trên. Lão Thường con ông Thùy. Bố ông Thùy là con nuôi cố nội Tám.

Sau khi “sửa sai” một thời gian, hai anh lớn của Tám đều ra Hà Nội học. Ở nhà, chỉ còn Tám, mới hơn mười ba tuổi, em út tám tuổi và chị Năm. Không còn ai làm chỗ dựa, mọi việc lúc đó Tám tự quyết định tất cả. Chị Năm lớn, nhưng con gái, với lại chị cũng buồn vì phải xa con. Đã vào thời kỳ sữa sai, dư luận thương tiếc cha Tám ngày một xôn xao trong thôn xóm. Trước những dư luận đó, Tám hỏi ý kiến của Chị Năm, thím Ấm và một vài nhà thân tín. Họ đều đồng ý với quyết định của Tám là giành lại nhà.

Tám chuẩn bị một cái dao bầu đã mài sáng loáng. Nhân hôm hai lão đàn ông đi vắng, Tám vác dao xông sang, đi sau Tám là chị Năm, ôm theo một đống áo quần, chăn chiếu. Vào nhà, Tám đứng ngay ở gian giữa, cúi mặt vào trong, vái ba vái rồi quay mặt ra cầm dao bầu giương cao, như sẵn sàng xông trận. Chị Năm để chiếc chiếu xuống nền nhà, ngay gian giữa rồi trãi ra. Chị quỳ xuống quay đầu vào phía trong nhà vái như Tám. Mặt Tám đỏ lừ, giá như lúc đó có kẻ nào ngăn cản, Tám sẵn sàng chém. Tám cứ đứng như thế. Chị Năm lần lượt mang các thứ từ bên nhà thím Ấm sang: nồi niêu, bát đũa.... Tối đó Chị Năm, Tám và em út ở gian giữa. Hai gia đình nông dân ở hai bên. Mấy hôm đầu hai gia đình Tấu và Thường có vẻ khó chịu, nhưng sau đó xịu dần và đối xử bình thường với chị em Tám. Khoảng một tháng sau thì gia đình Tấu rút lui. Lúc rút Tấu lấy luôn cái rương, vốn là của nhà Tám từ trước. Tám sơ ý không giử lại.


Sau khi gia đình Tấu rút lui, gia đình Thường cũng bắt đầu tính kế rút. Sau hơn hai tháng thì chị em Tám lấy lại hoàn toàn nhà lớn. Sau khi lấy lại được nhà lớn rồi, Tám định đuổi mẹ con mụ Ròn. Nhưng mẹ con mụ không còn nơi nào để ở. Cứ thế mụ lần lữa mãi. Hơn nữa, mụ có chút bà con, nên Tám không nỡ mạnh tay. Sau khi có toàn bộ nhà, mẹ kế Tám cũng về. Cả nhà quét dọn, mời ông Cửu lên làm lễ, mời ông bà về. Một thời gian sau chị Tư về quê. Chồng chị ấy có nói, sao không để họ trả, mà lại đi giành. Tám rất bực, vì, may mà Tám giành lại nhà, nếu không nhà cũng mất hoặc bị phá hỏng hết.