Translate

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

THÙNG NƯỚC TỰ GIÁC



      Khoảng sau năm 73, có phong trào văn hóa mới: Ta vì mọi người, mọi người vì ta. Một trong những điều thực thi đó là: Thùng nước tự giác. Dạo đó, ở ngã ba Đuôi Cá Hà Nội, có một thùng.
       Thùng nước tự giác làm bằng tôn, dung tích khoảng 50 lít, có cái vòi lấy nước ra. Trong thùng là nước đun sôi để nguội. Nắp thùng được vít chặt và khóa vào thùng. Một cái cốc nhôm bé, được xích vào quai thùng bằng xích sắt. Phía trên thùng có một cái hộp tôn, nắp khóa, dùng để cho tiền vào. Phía ngoài hộp có dòng chữ: Uống nước xong bỏ tiền vào hộp. Toàn bộ thùng và cá phụ kiện trên được cố định vào một cái giá sắt. Giá sắt được chôn chặt xuống đất.
      Như tôi vừa mô tả ở trên, có lẽ chẳng một ai dám nghĩ đến chuyện lấy cắp thứ gì đó ở thùng nước tự giác. Sợ mất cắp, người thực thi chủ trương phải xích, khóa, chôn chặt.... nhưng họ lại nghĩ rằng người uống nước sẽ “tự giác” cho tiền vào hộp. Một lối tư duy ấu trĩ vô cùng. Trong tác phẩm THƠ NGỤ NGÔN – tập 3 của tôi, có bài thơ như sau:

Để khoe làng nước ta đây
Văn minh lịch sự hơn Tây, lẽ thường
Nên chi góc phố ngã đường
Nước dùng tự giác, từng thùng mới tinh
Uống xong tiền trả do mình
Bỏ vào cái hộp dễ nhìn phía trên
Chén con, khi uống nâng lên
Nhớ rồi để xuống, chớ nên đeo người
Chén con không thể nào rời
Bởi vì được xích vào nơi giá thùng
Chén con còn sợ người dùng
Tiền mong tự giác, thằng khùng mới tin

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

GÁNH THUÊ (Truyện hồi ký)

      Học hết lớp 7, nghỉ hè, tôi rủ Dụng con ông Lãng, cháu ông Hương Hạp và chú Chỉ con thím Rõi, vợ hai ông Hương Hạp xuống Ba Đồn tìm việc làm. Theo vai vế trong họ, Dụng gọi tôi bằng bác, Chỉ gọi tôi bằng anh. Chúng tôi tìm được việc gánh cát sỏi từ bờ sông vào công trường. Sau khi về nhà chuẩn bị quang gánh, ba anh em bác cháu xuống Ba Đồn, tìm nhà trọ rồi ra nhận việc.
       Bác phụ trách công trường dẫn chúng tôi ra bờ sông. Ở đó có nhiều đống cát, sỏi được vén thành hình khối vuông thành sắc cạnh. Đang thời kỳ xây dựng XHCN nên vật liệu xây dựng cần rất nhiều. Bác phụ trách chỉ cho chúng tôi một đống cát và một đống sỏi.  Bác ấy đo thể tích hai đống, ghi ghi chép chép rồi ghi tên chúng tôi vào sổ. Bác bảo: Các cháu gánh hai đống này vào công trường, khi nào hết thì báo cho bác, bác ra kiểm tra rồi giao tiền.
      Từ bờ sông vào công trường khoảng 500 mét. Sau khi gánh một buổi, chúng tôi tính, nếu gánh hết hai đống đó phải mất 5 ngày. Ngày đầu còn sung sức, sang ngày thứ hai chúng tôi bắt đầu thấy mệt. Mệt nên sinh lười. Tôi nghĩ ra một kế...
       Tối hôm đó tôi rủ Dụng và Chỉ đi tắm. Lúc đi tôi còn bảo mang đi mỗi đứa một cái rổ. Hai bạn kia hỏi để làm gì. Tôi bảo để xúc cá. Ra đến bến sông, tôi bảo không tắm ở bến thường tắm, mà lại gần bến tập kết cát sỏi đá, ở đó có cái cầu, nhảy cho sướng. Vừa xuống nước tôi nói ngay âm mưu của mình: Xúc cát sỏi đổ xuống sông.  
       Bây giờ Dụng và Chỉ mới hiểu ý định của tôi: Đổ bớt cát sỏi xuống sông cho đỡ gánh. Bởi vì người ta chỉ kiểm tra đã hết đống hay chưa, chứ không phải đo lượng cát gánh vào trong đó. Lúc đầu hai bạn kia còn sợ, chần chừ. Tôi đi làm luôn. Mặc kệ. Cuối cùng chúng phải theo tôi. Ba đứa hì hục một chập lâu, khoảng một nữa đống cát sỏi đã bị đổ xuống sông. Chỗ còn lại ngày mai lại gánh tiếp để họ khỏi nghi ngờ. Ngày hôm thứ ba chúng tôi gánh đến tầm 4 giờ chiều thì xong. Ngày hôm thứ tư lên báo với bác quản lý. Bác ấy ra kiểm tra rồi dẫn chúng tôi về nhận tiền.
       Hôm thứ năm chúng tôi đang chuẩn bị xin nhận thêm việc thì thấy bạn Phạm Thế Hùng đến báo tôi trên nhà nhắn tin xuống, phải về ngay. Té ra Dì tôi nhắn về để đi dân công thuê cho anh Hộ ở tận chân núi Ba Rền. Câu chuyện này bạn đọc xem cho vui, chứ chẳng học tập được gì. Người khôn của khó rồi. Những kẻ ngây ngô như ông phụ trách công trường ngày ấy không còn đất dung thân nữa.

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

TRỘM MÍA (Hồi ký)



      Sau khi thi đỗ vào cấp 3, tôi vào học ở thị xã Đồng Hới, cách nhà 40 cây số. Đồng Hới được mệnh danh là thành phố Hoa hồng, là nơi gắn bó với cuộc đời thi sỹ Hàn Mạc Tử, nơi có cửa biển Nhật Lệ hữu tình:
 Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
(Nguyễn Du)
       Vào thời đó, muốn đi vào Đồng Hới, chúng tôi phải xuống Ba Đồn, đi ô tô hàng hoặc xuống quốc lộ 1A xin xe bộ đội đi vào. Lúc đi ra, hôm nào có tiền thì đi ô tô, hôm không có phải đi bộ, đi từ tối, sáng sớm đến nhà. Vất vả vậy nên ít khi về nhà. Tiền ăn học, anh Sinh gửi cho tôi từ Hà Nội về, qua bưu điện.
       Một hôm tôi và anh Trần Duy Tiến rủ nhau đi bộ về nhà. Anh Tiến lớn hơn tôi hai tuổi. Đi được khoảng 10 cây số, đến vùng Chánh Hòa,  thì khát nước quá, nhìn hai bên đường thấy có mía, đã gần thu hoạch. Tôi bàn với anh Tiến bẻ một cây ăn cho đỡ khát. Hai anh em dừng lại, bước xuống ruộng, chưa bẻ được mía thì có người hô hoán ”trộm mía, trộm mía”. Chúng tôi vọt lên bờ bỏ chạy. Có một người, cầm cái gậy đuổi theo. Lúc đầu ông ta chạy rất nhanh. Vừa đuổi ông ta vừa quát: Chạy đằng trời, chuyến này chúng mày chết với ông. Chúng tôi tăng tốc.
       Chạy được khoảng hơn cây số, ông ta có vẻ mệt lắm rồi. Từ thái độ kẻ thắng ông ta chuyển sang cầu khẩn: Hai anh ăn trộm ơi, đứng lại cho em được nhờ, hai anh ăn trộm ơi... . Một lúc sau, ông ta van xin như khóc: Hai anh ăn trộm ơi, thương nhà em với, không thì nhà em khổ lắm. Chúng tôi cứ chạy, người kia cứ đuổi theo, lại cầu khẩn: Hai anh ơi thương nhà em với, họ sẽ trừ hết công điểm nhà em mất, em mệt lắm rồi không chạy được nữa... Chúng tôi nhìn lại, trong đêm có trăng sáng mờ mờ, thấy người kia cũng gầy yếu, hơn nữa chúng tôi có hai người, bên kia chỉ có một. Tôi và anh Tiến quyết định dừng lại.
        Đến gần chúng tôi, ông ta vừa thở hỗ hển vừa nói: Hợp tác giao cho em canh gác ruộng, nếu để mất mía sẽ bị trừ công điểm, rồi khẩn khoản: Hai anh trộm mía ơi, mời hai anh vào trong sân hợp tác một tý rồi hai anh lại đi, không việc gì hết. Hai anh vào, tôi báo đã bắt được trộm, họ không trừ công điểm của tôi.
Nói thực, nếu ông ta có tài nói thuyết phục như Obama, chúng tôi cũng chẳng ngu mà vào đó. Cuối cùng anh Tiến đưa cho ông ta ít tiền. Thấy ông ta cầm tiền, chần chừ, chúng tôi đi luôn. Không thấy ông ta đuổi theo nữa.
       Từ cổ chí kim, chưa bao giờ xảy ra chuyện cầu khẩn kẻ trộm đứng lại để bắt. Cũng may cho ông ta, gặp được kẻ trộm có văn hóa.

RANG NGÔ (Hồi ký)



      Hồi học ở Đồng Hới, ba đưa chúng tôi, gồm tôi, anh Tiến và anh Diệp, trọ chung một nhà. Nhà bà chủ chỉ có hai mẹ con, đứa bé khoảng 10 tuổi. Một buổi chiều học ôn bài xong thấy đói bụng, chúng tôi rủ nhau rang ngô ăn. Ngô thì nhà chủ có nhiều, còn thiếu cát rang. Định đi lấy cát nhưng hơi xa, đứa nào cũng lười, đùn nhau. Bỗng nhiên tôi nghĩ ra là, người ta hay dùng để cho vào lư hương. Thế là chúng tôi lấy một cái lư hương trên bàn thờ, đổ ra lấy cát rang ngô. Xong xuôi, sàng lấy ngô, còn cát lại đổ vào lư hương, cắm chân hương lên như cũ.
       Đến gần tối bà chủ về, vào bàn thờ thắp hương. Bà phát hiện thấy mày ngô trong lư hương, biết ngay chúng tôi đã dùng cát này để rang ngô. Bà khóc rồi nằm sụp lạy trước bàn thờ, cầu xin tổ tiên ông bà tha tội. Sau đó bà vội vàng bắt một con gà sống choai hơn một cân làm thịt, nấu xôi, làm một mâm mang lên cúng để xin tổ tiên ông bà tha tội cho. Thần linh hay tổ tiên ông bà cũng như người trần, không thể nói chay được, xong xôi mới rồi việc.
       Cúng xong, bà dọn mâm ra ở nhà dưới, bảo thằng con của bà lên mời chúng tôi xuống ăn. Lúc đầu chúng tôi chối, ngại quá, nhưng bà mời thật. Bà nói đây là lộc của tổ tiên ông bà các chú ăn để các vị xá tội cho. Cuối cùng ba anh em chúng tôi phải ngồi ăn cùng gia đình. Lúc đầu còn ăn dè, làm khách, nhưng ngon miệng quá, không cưỡng lại được, chúng tôi chén hết sạch, còn mấy cái xương, gặm nốt, ngon quá.