Translate

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

NƠM CÁ (Hồi ký)



Nơm là một dụng cụ úp cá, gồm nhiều que tre to bằng que đũa, dài 50-60 cm, bện lại thàn hình ống. Phía trên nơm thu nhỏ lại vừa lọt đầu người. Phía dưới loe rộng ra để úp xuống nước.
        Trước năm 1964 cánh đồng quê tôi rất nhiều tôm cá. Hồi mười tuổi tôi đã biết đi nơm. Lúc đầu hay đi với anh Đình, sau đó thường đi một mình. Sáng sớm xách nơm đi, đến trưa về thế nào cũng được xâu cá to. Nơm cá cũng có chuyện may rủi. Người nơm được nhiều người ta gọi là sát cá. Trong ba anh em tôi, anh Đình là may nhất. Hôm nào anh đi về cũng được xâu cá to. Anh Sinh thường không may, những hôm không được con cá nào anh xoay sang bắt cua. Tôi thuộc loại trung bình, có hôm nơm được nhiều cá, nhưng cũng có hôm ít
        Cá mới bắt về nấu với khế, ăn với khoai lang luộc và cà, rất ngon. Món này bây giờ được gọi là đặc sản. Dân Vĩnh Lộc thời đó còn đi nơm cả ban đêm. Những hôm nước rặc (thủy triều xuống), dọc bờ sông thường có các vũng sâu có nhiều cua cá. Cá thì úp bằng nơm, còn cua thì đi từ từ dẫm nhẹ lên lớp rong sát mặt đất. Khi có cua sẽ phát hiện ra ngay. Một hôm tôi dẫm lên một vật cứng to dưới lớp rong, tưởng là cua sống, mừng qúa, gọi anh tôi lại bắt. Anh tôi cũng mừng, khi bắt lên hóa ra là cái mai cua.
         May hơn khôn
         Dân Vĩnh Lộc còn vượt sông Gianh sang làng Thuận Bài nơm cá. Thuận Bài là quê ông Đỗ Mậu, một tướng quân trong chính quyền Sài Gòn trước đây, người có cuốn hồi ký nổi tiếng. Sông Gianh rộng và hay só sóng to, nguy hiểm lắm. Ở bên Thuận Bài thường có những vũng nước rộng và sâu như cái ao, gọi là cái đìa, trong đó có nhiều cá. Nhhững vũng nầy thường do người ta đào. Cũng có những vũng tạo nên do đường bị vỡ trong mùa lũ, nước chảy xối xuống đào thành vũng. 
Vào một ngày hè, xóm tôi tổ chức đi nơm cá bên Thuận Bài. Các bác trong xóm, khoảng chín mười người, thuê một chiếc thuyền con, cùng đi. Tôi là người bé nhất. Lúc xuống nơm ở một cái đìa, tất cả những người lớn đều ra chỗ sâu để úp cá. Tôi bé nên cứ úp trên cạn. Tôi đang úp úp, bỗng nhiên cái nơm rung lên rất mạnh. Tôi vội đè chặt nơm xuống rồi lại ngồi lên nơm. Biết là có cá to, tôi gọi anh Đình. Anh Đình chưa kịp bắt thì anh Sinh bảo khoan bắt, để anh ấy sờ một cái lấy may. Anh Sinh sờ xong, anh Đình bắt lên một con cá quả to bằng cái chày giã gạo, nặng khoảng 2 cân. Tôi sướng rân người, reo lên. Hai anh tôi cũng mừng lắm. Có lẽ trong lịch sử đi nơm của dân Vĩnh Lộc, chưa bao giờ ai nơm được con cá quả to như thế. Sau nầy, khi đã lớn, nghĩ đến chuyện đi nơm tôi hiểu ra rằng: Ở đời, may hơn khôn. Cứ tưởng người lớn ra chỗ sâu bắt được cá to, ai dè cá lại chui vào nơm thằng bé trên cạn. Trong bộ sách THƠ NGỤ NGÔN, tập 3, NXB Văn học, 2011, tôi có sáng tác bài “Đi nơm” như sau: 
Lớn người lội xuống sâu mò
Còn tôi bé tý, nơm dò chỗ nông
Lần mò bên đục bên trong
Tình cờ cá quẩy cá lồng trong nơm
Tôi liền cúi bắt ra luôn
Một con cá quả to hơn cái chày.
Thì ra đâu phải giỏi tài
Chỗ sâu bị quấy cá quay lên bờ
Ở đời lắm kẻ khù khờ
Lại gặp miếng lớn, chỉ nhờ vận may.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét