Translate

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

ÔN NGHÈO NHỚ KHỔ (Hồi ký)



Khoảng năm 1965 - 67 có chiến dịch “ôn nghèo nhớ khổ”. Khoa Hóa chúng tôi cũng phải thực hiện. Sau khi chuẩn bị, khoa tổ chức ôn nghèo nhớ khổ vào một buổi tối. Bọn trong lớp chẳng thằng con nào thích làm chuyện này. Bà Bùi Thị An, lớp trưởng (nay là đại biểu quốc hội) vận động mãi, hình như cũng có một vài đứa phải lên nói. Toàn nói linh tinh, có khổ gì đâu. Lớp tôi thi đại học năm 1964, năm đó thi cực khó, nhất là vào đại học Tổng Hợp. Ví d, lớp 10 cấp 3 của tôi ở Quảng Bình, chỉ có hai đứa đỗ đại học. Tôi đỗ vào khoa toán đại học Tổng hợp, còn anh Phan Đình Trân đỗ vào đại học Kinh Tế. Vì thế, lớp tôi ở đại học toàn con em những gia đình “có chữ”, lấy đâu ra nghèo, ra khổ mà nói. Cuối cùng bà An thấy tôi ăn nói được, bắt cóc lên “ôn nghèo nhớ khổ”. Tôi nể quá, phải lên thôi. Tôi lái câu chuyện sang vấn đề “độc lập tự do”, kể về những gian khổ của gia đình thời bị Pháp chiếm, phải chạy giặc, lo sợ khi Pháp đi càn.... Tôi nói xong mọi người cũng vỗ tay.

Tiết mục đáng chú ý nhất hôm đó là bài “ông nghèo nhớ khổ” của thầy Ngụy Như Kon Tum. Thầy Kon Tum lúc đó là hiệu trưởng trường tôi. Thầy nói ngày xưa thầy khổ lắm. Cái khổ thứ nhất là không có trường trong nước để học “phải sang Pháp học”. Cái khổ thứ hai là, khi bạn bè nước ngoài hỏi “where are you from” thì trả lời là Japanese, không dám nói  nói Vietnamese, sợ người ta khinh.

Bây giờ ở Khu Nhân Chính, trước mặt Làng Sinh Viên, có một con đường mang tên thầy Ngụy Như Kon Tum. Mỗi lần đi qua con đường này, tôi lại nhớ đến câu chuyện “nghèo khổ” của thầy năm nào ở xóm Bậu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét