Translate

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

CHUYỆN ĐẶT TÊN



Cái tên người ở quê tôi nghe thật buồn cười, nhưng cũng là một câu chuyện rắc rối ra phết. Nhiều lúc nghe nó vô nghĩa, trần tục...nhưng là những sự lựa chọn thông minh, không phải ở đâu cũng nghĩ ra được. Mỗi cái tên cần thỏa mãn ít nhất hai tiêu chí. Một là không trùng với cụ cố cụ tổ nào đó, cả bốn bề hai bên nội ngoại. Thứ hai là tránh những tên đẹp, con ma nó bắt. Để thỏa mãn hai tiêu chí đó người ta thường dùng những tên tục, mà lúc chửi nhau hay văng ra. Có gia đình lịch sự hơn, đặt tên con bằng những dụng cụ trong nhà... Sáo, Đăng, Giỏ .... đặt tên cho con hết cả chục thứ dụng cụ trong nhà rồi vẫn đẻ, không biết dùng tên gì nữa, lại dùng cái tên con ma cũng sợ. Có những gia đình không muốn đặt tên tục, nhắc đi nhắc lại mấy cái ấy rồi chúng nó lại đẻ ra hàng đàn hàng đống, khổ. Họ chọn những tên vô thưởng vô phạt, vô nghĩa, không động chạm đến ai, cũng không ảnh hưởng đến vấn đề dân số, như tên: Xờm, Xợp,  Trợi, Nầy, Oóc, Lậy, Chằn, Hặm, Xoong, Kệ ... Con đông là chuyện bình thường ở quê tôi hồi đó. Có nhà anh Cu Xờm, đẻ một lô thằng con trai, không đếm hết. Có đứa ngủ quên ngoài cây rơm, bị chết rét. Khi cần rơm ra lấy mới biết.
Nói chuyện đặt tên lại nhớ đến chuyện ngụ ngôn đặt tên cho mèo. Chuyện kể rằng: Có một người rất yêu quý con mèo, muốn đặt cho nó một cái tên thật ấn tượng. Suy tính mãi, ông đặt tên cho nó là Trời, vì trời ai cũng phải sợ. Nhưng một người bạn ông lại nói: trời thua mây, vì trời bị mây che. Ông nghĩ cũng phải, thế là mèo ông lại có là Mây. Một người bạn thứ hai lại nói với ông, mây là gì so với gió, gió thổi bạt cả mây. Ông lại đổi tên mèo là Gió. Một người thứ ba biết chuyện, lại nói với ông: Bức tường có thể chắn được gió, gió thua tường. Nghĩ cũng có lý, thế là ông đổi tên mèo thành Tường. Lại có người thứ tư lói: Chuột khoét đổ cả tường, chứng tỏ chuột khỏe hơn tường. Ông lại đổi tên mèo là Chuột. Con trai ông nói ngay: Mèo ăn thịt được chuột kia mà. Ông nói như người vừa tỉnh giấc: Đúng rồi, thôi cứ tên Mèo là hay nhất. Thế là mèo lại hoàn mèo.
Có cái tên đặt nghe đơn giản, có cái tên phải lựa chọn chán chê, có cái tên phải họp lên họp xuống mới quyết định được, có cái tên lại làm cho bao nhiêu người tranh cãi qua hàng mấy thế hệ.

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

NƠM CÁ (Hồi ký)



Nơm là một dụng cụ úp cá, gồm nhiều que tre to bằng que đũa, dài 50-60 cm, bện lại thàn hình ống. Phía trên nơm thu nhỏ lại vừa lọt đầu người. Phía dưới loe rộng ra để úp xuống nước.
        Trước năm 1964 cánh đồng quê tôi rất nhiều tôm cá. Hồi mười tuổi tôi đã biết đi nơm. Lúc đầu hay đi với anh Đình, sau đó thường đi một mình. Sáng sớm xách nơm đi, đến trưa về thế nào cũng được xâu cá to. Nơm cá cũng có chuyện may rủi. Người nơm được nhiều người ta gọi là sát cá. Trong ba anh em tôi, anh Đình là may nhất. Hôm nào anh đi về cũng được xâu cá to. Anh Sinh thường không may, những hôm không được con cá nào anh xoay sang bắt cua. Tôi thuộc loại trung bình, có hôm nơm được nhiều cá, nhưng cũng có hôm ít
        Cá mới bắt về nấu với khế, ăn với khoai lang luộc và cà, rất ngon. Món này bây giờ được gọi là đặc sản. Dân Vĩnh Lộc thời đó còn đi nơm cả ban đêm. Những hôm nước rặc (thủy triều xuống), dọc bờ sông thường có các vũng sâu có nhiều cua cá. Cá thì úp bằng nơm, còn cua thì đi từ từ dẫm nhẹ lên lớp rong sát mặt đất. Khi có cua sẽ phát hiện ra ngay. Một hôm tôi dẫm lên một vật cứng to dưới lớp rong, tưởng là cua sống, mừng qúa, gọi anh tôi lại bắt. Anh tôi cũng mừng, khi bắt lên hóa ra là cái mai cua.
         May hơn khôn
         Dân Vĩnh Lộc còn vượt sông Gianh sang làng Thuận Bài nơm cá. Thuận Bài là quê ông Đỗ Mậu, một tướng quân trong chính quyền Sài Gòn trước đây, người có cuốn hồi ký nổi tiếng. Sông Gianh rộng và hay só sóng to, nguy hiểm lắm. Ở bên Thuận Bài thường có những vũng nước rộng và sâu như cái ao, gọi là cái đìa, trong đó có nhiều cá. Nhhững vũng nầy thường do người ta đào. Cũng có những vũng tạo nên do đường bị vỡ trong mùa lũ, nước chảy xối xuống đào thành vũng. 
Vào một ngày hè, xóm tôi tổ chức đi nơm cá bên Thuận Bài. Các bác trong xóm, khoảng chín mười người, thuê một chiếc thuyền con, cùng đi. Tôi là người bé nhất. Lúc xuống nơm ở một cái đìa, tất cả những người lớn đều ra chỗ sâu để úp cá. Tôi bé nên cứ úp trên cạn. Tôi đang úp úp, bỗng nhiên cái nơm rung lên rất mạnh. Tôi vội đè chặt nơm xuống rồi lại ngồi lên nơm. Biết là có cá to, tôi gọi anh Đình. Anh Đình chưa kịp bắt thì anh Sinh bảo khoan bắt, để anh ấy sờ một cái lấy may. Anh Sinh sờ xong, anh Đình bắt lên một con cá quả to bằng cái chày giã gạo, nặng khoảng 2 cân. Tôi sướng rân người, reo lên. Hai anh tôi cũng mừng lắm. Có lẽ trong lịch sử đi nơm của dân Vĩnh Lộc, chưa bao giờ ai nơm được con cá quả to như thế. Sau nầy, khi đã lớn, nghĩ đến chuyện đi nơm tôi hiểu ra rằng: Ở đời, may hơn khôn. Cứ tưởng người lớn ra chỗ sâu bắt được cá to, ai dè cá lại chui vào nơm thằng bé trên cạn. Trong bộ sách THƠ NGỤ NGÔN, tập 3, NXB Văn học, 2011, tôi có sáng tác bài “Đi nơm” như sau: 
Lớn người lội xuống sâu mò
Còn tôi bé tý, nơm dò chỗ nông
Lần mò bên đục bên trong
Tình cờ cá quẩy cá lồng trong nơm
Tôi liền cúi bắt ra luôn
Một con cá quả to hơn cái chày.
Thì ra đâu phải giỏi tài
Chỗ sâu bị quấy cá quay lên bờ
Ở đời lắm kẻ khù khờ
Lại gặp miếng lớn, chỉ nhờ vận may.

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

ĐƠ CUI (Hồi ký)



Năm 1965 trường Đại học Tổng hợp sơ tán ở Đại Từ tỉnh Thái Nguyên. Khoa hóa chúng tôi ở xóm Bầu, xóm Bậu và xóm Núi. Nhà thầy Nguyễn Hoán ở cạnh con suối. Một hôm bọn tôi sang chơi thấy nhà thầy có đàn chó con, thích quá, muốn mua một con. Cô Túc, vợ thầy, nói: Cứ bắt nuôi, tiền nong gì, khi nào đi lấy được củi thì cho cô vài gánh. Chúng tôi bắt luôn một con. sau đó gánh cho Thầy Cô 2 mét khối củi. Vì thế chúng tôi đặt tên cho con chó là Đơ Cui.

        Một hôm Thầy Hoán ghé thăm chúng tôi, con chó chạy ra gâu gâu. Anh Dương vội chạy ra ngăn lại rồi quát “Đơ Cui, Đơ Cui đi vào”. Thầy Hoán trước kia ở Pháp, làm việc với nhà hóa học Bửu Hội, nghe cái tên “rất Pháp” đó, thầy hỏi: sao lại đặt tên như thế. Chúng tôi trả lời: Vì đổi cho thầy 2 mét khối củi. Thầy cười rồi nói: Các anh đúng là loại “Thứ ba” rồi. (Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò).

CHỨC DANH LÀNG TÔI



Làng tôi có một truyền thống gán chức danh tuyệt vời. Bất cứ ai, đã có gia đình là có một chức danh, không phải mất bất cứ một  khoản chi phí nào. Vừa mới cưới vợ hôm trước, hôm sau được nhận ngay chức danh “Mới”, anh mới, ả mới (chị mới). Nếu anh tên là Vĩnh, được gọi là anh Mới Vĩnh. Nếu chị tên là Lộc, được gọi là ả Mới Lộc. Chúc danh “Mới” được gọi cho đến khi có con. Nếu không cứ “mới”  mãi. Có anh chị Mới Khiên, đến 80 tuổi vẫn “Mới”.

        Có con rồi, chức danh thay đổi. Anh chị đẻ con trai đầu lòng, được gọi anh Cu, chị Cu. Nếu anh chị đẻ con gái đầu lòng, cả vợ chông đều được chức danh “Mẹt”. Nếu không may, đứa con đầu lòng không nuôi được, thần thánh hay ma quỷ gì đó bắt đi, thì anh chị được nhận chức danh “Cháu”. Thôi chức cu mẹt.
        Đấy là nói chức danh gia đình. Còn có loại chức danh xã hội. Không hiểu sao làng tôi ai cũng có chức danh đó. Từ đầu làng đến cuối xóm, nếu không là ông Cai thì Đoàn, không Đoàn thì Hội, Hương, Dịch, Lý, Cửu, Giang, Bộ, Bản, Tri, Câu, Do, Đái..., ví dụ như:
ông Bản In, ông Bản Én,
ông Bộ Đành, ông Bộ Thầm

Ông Cai Lậm, ông Cai Trợi, ông Cai Don

ông Câu Chắt, Câu Ậy

Ông Cửu Giáo, ông Cửu Thầm, ông Cửu Phướn

Ông Dịch Song, Dịch Nguyễn, ông Dịch Chắt

ông Đái Quyến, ông Đái Cừng

ông Giang Han, ông Giang Kệ,

ông Hội Hoài, Hội Nớng

ông Hương Thơ, ông Hương Hạp,

ông Lý Quỳnh, ông Lý Huệ

ông Tri Cầu, Tri Chệch...

        Một số chức danh là do đã giữ chức vụ hoặc phong tặng, như Lý là đã làm lý trưởng, Trợ là đã dạy học, Xếp là đã làm xếp xe lửa như ông Xếp Uông,  Ấm là do con quan. Nghè là danh tước vua ban. Khi anh Đóa Hòa Ninh, người đã từng vượt sông Đà để cứu thương binh trong chiến dịch Hòa Bình (1951-52), lấy con cụ Nghè Ân dưới Vĩnh Lộc, ông Trợ Pha có bài thơ tặng, trong đó có câu: “Trai ông Trợ, gái ông Nghè. Dưới làng trên xã, thuận lề lối xưa”.
        Cũng có trường hợp ngoại lệ. Đó là trường hợp ông Cử. Ông ta chỉ làm nghề chèo đò thôi, chưa đỗ cử nhân, nhưng người ta gọi là ông Cử vì tên ông là Cử.

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

XAY GIÃ GẠO THUÊ (Hồi ký)



Sau cải cách ruộng đất dân quê tôi đói lắm, bất cứ việc gì kiếm được dăm xu vài hào hay một nắm gạo đều đi làm, rẽ mạt cũng làm, còn hơn để rồi người ta khiêng ra đồng. Một trong những nghề cả làng cả xã cùng tham gia là nghề phát xay, nhận thóc ở kho nhà nước,  xay giã thành gạo rồi mang trả, với tỷ lệ nhất định.

     Hồi đó em Hinh đã ra Hà Nội, ở nhà chỉ có tôi và dì (mẹ kế). Tôi theo bà con xuống kho nhà nước ở Ba Đồn nhận thóc, mỗi tuần nhận khoảng một tạ. Sau khi nhận về, việc đầu tiên là xay. Xay xong là rê trước gió, trấu nhẹ nên bay xa, tách khỏi gạo lật. Gạo lật được mang giã. Giã bằng chày tay hoặc bằng chày đạp chân. Người Bong Bo giã gạo vì “Cách mạng cần nhiều gạo để đánh Mỹ”. Chúng tôi giã gạo vì mạng sống. Ở đây không có ánh lửa bập bùng, chỉ có đèn dầu hỏa, hoặc vừa giã gạo vừa ngắm chị Hằng, nhưng tiếng chày cũng cắc cum cùm cum hay hơn cả bản nhạc, cũng rộn rã suốt đêm. Ngoài chày tay, chúng tôi còn có chày chân, cối đạp chân. Cối đạp chân cấu tạo theo theo nguyên tắc đòn bẩy của Ac Si Mét. Cái nguyên lý mà có thể bẩy được cả quả đất, “nếu” có một điểm tựa. Gạo giã xong được sàng, được sàng sảy để lấy gạo nguyên trả cho kho, còn tấm cám phần mình.

Nghề phát xay này đã có từ lâu, bới thế có bài đồng giao: “Xay lúa Đồng Nai, cơm gạo phần ngài, tấm táp phần tôi”. Lượng gạo mang trả phải bảo đảm tỷ lệ quy định, khoảng 65 – 70 phần trăm so với thóc lúc nhận. Dân tôi có cái mánh là trước khi đi trả gạo, thường để gạo nơi có ẩm để tăng trọng lượng. Biết mánh đó, cán bộ bên kho thường cắn hạt gạo trước khi nhận. Gạo khô khó cắn còn gạo có độ ẩm cao rất bở, dễ cắn.

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

BỐN BỒ CHỮ



Có tài liệu ghi ông Cao Bá Quát nói: Nước Nam có bốn bồ chữ, thì ông giữ hai bồ, Cao Bá Đạt anh của ông và Nguyễn Văn Siêu bạn ông giữ một bồ. Còn lại một bồ thiên hạ chia nhau. Có người nói ông hơi ngạo mạn. Tôi không quan tâm chuyện đó lắm. Mỗi người mỗi tính cách, đừng làm hại ai là được.  Bây giờ ta thử lượng hóa hai bồ chữ của họ Cao có dung lượng thông tin là bao nhiêu.

Mỗi quyển sách, với cỡ chữ 11 -14, dày trung bình 500 trang có dung lượng không quá 2Mb. Cứ cho mỗi bồ có 1000 cuốn sách. Dung lượng thông tin mỗi bồ là 2Mb x 1000 = 2Gb. Hai bồ chữ của ông Quát có dung lượng là 2Gb x 2 = 4Gb. Với lượng chữ 4Gb, so với ngày này, thì không nhiều. Hiện nay, ngay cả học sinh phổ thông, với cái USB 4Gb, không thể nào chứa hết tài liệu học tập của họ. Đấy là chưa nói đến hàng trăm Gb lưu giữ trong máy tính, hàng nghin Gb lưu giữ trên mạng. Phân tích thế để thấy, trí thức dân tộc ta phát triển quá nhanh. Với 4Gb thôi, nhưng ông Cao Bá Quát đã nổi danh là một người tài giỏi thông minh. Chỉ có điều hơi ngang ngang một tý, không chấp nhận cái thực tế xã hội thời đó.

Ông Cao Bá Quát (1809 – 1855), người làng Phú Thị, Gia Lâm Hà Nội. Nổi tiếng về thơ văn, vua Tự Đức cũng tỏ ý khen tài văn chương của ông. Cao Bá Quát thi hương đỗ Á nguyên, nhưng thi hội không đõ. Ông làm quan bộ Lễ, bị trọng tội, bị giam, bị thải hồi, sau đó lại được hồi quan, làm ở Viện Hàn Lâm. Tại đây ông chơi thân với Nguyễn Hàm Ninh (người xã Phù Hóa cách làng tôi 3 cây số). Sau khi gặp nhau hai người tâm đầu ý hợp. Hợp về tính cách văn chương, về nhân sinh quan. Hai gười trở thành bạn thơ của nhau. Về sau Cao bá Quát làm quốc sư cho cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ở Quốc Oai, chống triều đình Tự Đức. Ông bị bắn chết lúc xông trận. Ông để lại trên 1000 bài thơ và vô số giai thoại về ông. Nghe nói Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh đã từng dạo gót dọc sông Gianh, giao lưu văn chương rất tâm đắc.




Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

CHUYỆN MUA RƯỢU (Hồi ký)



Một hôm, vợ bảo tôi đi lên Chương Mỹ, mua con lợn về nuôi. Tôi đạp xe lên thì người ta bảo hôm nay không có ai giao lợn, lại lủi thủi đạp xe về. Khi tôi đến gần Ba La thì có mấy đứa bé vẩy. Tôi dừng lại. Chúng nó bảo có bịch rượu lậu ngon lắm, của bọn buôn trên xe, sợ công an khám nên ném xuống, chúng cháu nhặt được. Trước đây tôi cũng đã có ý định mua một ít rượu ngon để ngâm thuốc. Hôm nay gặp chuyện này, mới nghe đã thấy muốn mua. Sau đó chúng nó bảo chú nếm mà xem. Tôi nếm. Đúng là rượu cực kỳ ngon. Tôi hỏi giá, rồi mặc cả, cuối cùng chúng nó bán vơi giá cũng rẽ. Tôi buộc bịch rượu vào sau xe đạp, rồi lững thững đạp về nhà.


Quá ngã ba Ba La khoảng 500 mét, đột nhiên nghe tiếng còi bên tai, một chiếc mô tô ba bánh đỗ xịch trước mặt tôi. Trên xe có hai chú công an. Một người lái, một người ngồi trong thùng. Chú trong thùng nhảy xuống, bảo ngay với tôi  bằng cái giọng rất công an: “Anh buôn rượu lậu, về đồn làm việc”. Vừa nói chú ta vừa túm chặt lấy xe đạp tôi. Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả, nhưng đành phải theo. Cãi với công an ngoài đường là thằng điên. Về đến đồn, có hai chú công an nữa ra hợp sức. Họ vội vã cởi bịch rượu trên xe đạp tôi ra. Đặt vào một cái nồi nhôm to rồi mở túi rượu. Vừa mở ra thì có mùi khó chịu, Họ đổ ra, toàn nước cống. Họ tưng hửng bảo tôi: “Anh dọn đi rồi mà đi đi “. Tôi chẳng thèm nhìn lại cái túi ny lông đựng “rượu” nữa, lên xe đạp đi luôn. Bọn trẻ đó buộc một cái túi rất nhỏ rượu ngon vào bên trong túi nước cống, rồi buộc một cái ống nhỏ vào túi con để nếm được. Lúc nếm là nếm rượu trong túi con này. Thế là tôi bị lừa, các chú công an  bắt kẻ bị lừa.

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

MỘT HÀO BỐN VÉ (Trích hồi ký )



Hồi đó còn tiêu tiền hào tiền xu, một hào bằng mười xu. Vé xem phim người lớn là 1 hào, trẻ em là năm xu. Bọn trẻ con tôi thường không có tiền, phải chui rào, xem trộm. Thỉnh thoảng mới có tiền. Một hôm, ba đứa xóm tôi đi xem, gồm tôi, Trâm và Biền. Đang tính kế chui rào thì Diệu đến. Nó khoe em có một hào. Một hào chỉ mua được vé cho hai đứa. Lúc đầu dự kiến, hai đứa mua vé, còn hai đứa chui. Bỗng nhiên tôi nghĩ ra một kế...



Tôi xé đôi tờ một hào, lấy hai nửa gập riêng, y như là hai tờ một hào. Tôi chìa tiền, hai nữa tách riêng nhau, bảo với cô bán vé: Bán cho em hai vé. Ban đêm mập mờ, hơn nữa người mua vé rất đông. Nhìn tiền trên tay tôi, cô ta tưởng hai tờ một hào, đưa luôn cho tôi hai vé người lớn rồi lấy tiền bỏ ngay vào túi, chẳng cần kiểm lại. Thế là bốn đứa chúng tôi vênh vang qua cửa soát vé.

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

GIÀNH LẠI NHÀ (Trích hồi ký 1954 -1958)



Cải cách ruộng đất ập đến, chúng nó chiếm hết nhà cửa rồi đuổi chị gái và bốn anh em trai chúng tôi ra một cái chòi tranh dột nát. Không giường chiếu, không nồi niêu bát đũa. Áo quần rách bươm, lạnh thấu xương, đêm thường không ngủ được, phải nhặt lá và que khô nhóm lửa sưởi. Không còn gì để ăn, tôi và em Hinh phải đi ăn xin. Hai anh tôi vào tận rừng nhặt hạt dẻ hoặc gánh củi bán.

 Bố mẹ tôi có hai cái nhà, một cái nhà lớn và một cái nhà bếp rộng. Nhà nậy ba gian hai hồi, kiểu cổ, cột lim, các vì kèo đều chạm trổ, lợp ngói nam. Nhà nậy vẫn nguyên. Nhà ngang chúng nó chia cho nông dân Trọng. Trọng đã dỡ nhà đó mang về xóm dưới. Nền đất nhà ngang còn lại chúng cho mẹ con mụ Rọoc dựng nhà. Nhà nậy có hai hộ ở: Vợ chồng lão Tấn và vợ chồng Cháu Trường. Lão Tấn là bộ đội tập kết. Vợ lão Tấn là Diệp, con mệ Lộc làm nghề buôn thúng bán mẹt ở xóm trên. Cháu Trường con ông Cu Tùy. Bố ông Cu Tùy là con nuôi cố nội tôi. Vào thời cải cách ruộng đất họ đối xử không tốt với gia đình tôi. “Cuộc cách mạng long trời lở đất” làm đảo lộn mọi luân thường đạo lý.

Sau khi “sửa sai” một thời gian, hai anh anh lớn của tôi đều ra Hà Nội học. Ở nhà, chỉ còn tôi, mới 13 tuổi, em Hinh 8 tuổi và chị Cúc. Không còn ai làm chỗ dựa, mọi việc lúc đó tôi tự quyết định tất cả. Chị Cúc lớn, nhưng con gái, với lại chị cũng buồn vì phải xa con. Hồi đó đã vào thời kỳ sữa sai. Không khí cải cách, nông dân vùng lên tan biến đâu mất, tất cả các gia đình có lương tri đều lên tiếng. Dư luận thương tiếc cụ Nghè (cha tôi) ngày một xôn xao trong thôn xóm. Trước những dư luận đó, tôi hỏi ý kiến của chị Cúc, thím Ấm và một vài nhà thân tín. Họ đều đồng ý với quyết định của tôi là giành lại nhà.

Tôi chuẩn bị một cái dao bầu đã mài sáng loáng. Nhân hôm hai lão đàn ông đi vắng, tôi vác dao xông sang, đi sau tôi là chị Cúc, ôm theo một đống áo quần, chăn chiếu. Vào nhà, tôi đứng ngay ở gian giữa, cúi mặt vào trong, vái ba vái rồi quay mặt ra cầm dao bầu dương cao, như sẵn sàng xông trận. Chị Cúc để chiếc chiếu xuống nền nhà, ngay gian giữa rồi trãi ra. Chị quỳ xuống quay đầu vào phía trong nhà vái như tôi. Mặt tôi đỏ lừ, giá như lúc đó có kẻ nào ngăn cản, tôi sẵn sàng chém. Tôi cứ đứng như thế. Chị Cúc lần lượt mang các thứ từ bên nhà thím Ấm sang: nồi niêu, bát đũa.... Tối đó chị Cúc, tôi và em Hinh ở gian giữa. Hai gia đình chúng nó ở hai bên. Mấy hôm đầu chúng nó có vẻ khó chịu, nhưng sau đó xịu dần và đối xử bình thường với chị em tôi. Khoảng một tháng sau thì gia đình Tấn Diệp rút lui. Lúc rút nó lấy luôn cái rương, vốn là của nhà tôi từ trước. Tôi sơ ý không giử lại. Khi chị Cúc về, chị rầy tôi chuyện đó.

Sau khi gia đình Tấn Diệp rút lui, gia đình Trường Diên cũng bắt đầu tính kế rút. Sau khoảng hai ba tháng thì chúng rút hết. Chúng tôi giành lại hoàn toàn nhà nậy. Sau khi lấy lại được nhà nậy rồi, tôi định đuổi mẹ con mụ Rooc. Nhưng mẹ con mụ không còn nơi nào để ở. Cứ thế mụ lần lừa mãi. Hơn nữa, mụ có chút bà con, nên chúng tôi không nở mạnh tay. Sau khi giành lại được toàn bộ nhà, tôi và chị tôi quét dọn, thắp hương mời ông bà về.

Tôi giành lại được nhà một thời gian thì chị tôi có về quê. Chồng chị ấy có nói là sao không để họ trả, mà lại đi giành. Tôi cố lắm mới không trút cơn giận lên câu nói đó. (Tếp theo: Giành lại ruộng)

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

BẢN KIỂM ĐIỂM HÀNG TUẦN (Trích hồi ký)




Trước năm 1990, vấn đề tư tưởng, lập trường giai cấp... được tôn lên ngang mây xanh. Đi đâu cũng nghe nói đến mấy cái từ, mà mới nghe, tim cứ đập thình thịch: “Vừa hồng vừa chuyên”, “Phấn đấu”, “Lập trường giai cấp”, “Làm chủ tập thể”... Để làm được những điều đó, phải luôn luôn “phê và tự phê”. Dạo đó tôi đang công tác ở viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp. Chiều thứ bảy hàng tuần, phòng phải họp để kiểm điểm từng người một. Cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cơ quan nào cũng phải làm thế. Nghe nói người đang công tác học hành ở nước ngoài cũng phải làm thế.

Bản tự kiểm điểm cuối tuần phải chuẩn bị trước,  với mấy nội dung chính như sau:

-          Công tác chuyên môn

-          Tinh thần tập thể

-          Kết luận ưu, khuyết điểm, xin hứa...

Đến buổi họp, cá nhân đọc bản đó cho mọi người nghe, sau đó “tập thể” góp ý kiến. Thỉnh thoảng có ông bí thư đảng ủy cơ quan đến ngồi nghe từ đầu chí cuối, xem thử đơn vị này kiểm điểm có thành khẩn hay không. Sau đó bản kiểm điểm cá nhân và biên bản họp tập thể phải nộp lên phòng tổ chức.
Viết bản kiểm điểm cuối tuần là một công việc khá khó khăn. Viết thế nào để người ta khỏi phê bình là hời hợt, rồi suy diễn ra “lập trường giai cấp.”, “thái độ phê tự phê kém”.... Nhưng nếu viết dài thì viết cái gì. Công việc một tuần... làm được cái gì. Một gạch đầu dòng là hết. Cái khó thứ hai là nêu khuyết điểm. Nêu cái gì bây giờ. Viết không có khuyết điểm ư, không thành khẩn rồi, tự kiêu rồi, lại “tiểu tư sản rồi”. Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra khuyết điểm: Nào là ngủ dậy muộn, nào là ít tập thể dục... Qua các buổi kiểm điểm, tôi lúc nào cũng bị tập thể phê bình là “quan điểm quần chúng còn yếu”. Nguyên cớ là thế này. Hồi đó cán bộ trong cơ quan đa phần là ở trong khu tập thể. Buổi tối mọi người thường sang chơi nhà nhau uống nước, hoặc tụm năm tụm ba chơi tổ tôm. Trong khi đó tôi thường ở nhà đóng cửa đọc sách, không “thăm hỏi” quần chúng. Thời đó, “Quan điểm quần chúng” và “lập trường giai cấp ”là những thứ vũ khí người ta hay dùng để quy tội, thậm chí còn để đẩy nhau vào chỗ chết. Thằng nào không ưa, cứ tìm cách quy mấy tội đó là nó thua.

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

ĐÀO HẦM CHÔNG (Hồi ký 1952)



Tôi có hai người bạn cạnh nhà là Trâm và Biền. Trò chơi nào cũng có ba anh em chúng tôi. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là đào hầm chông. Thấy mấy chú du kích đào hầm chông bẩy lính Pháp,  chúng tôi rủ nhau đào một cái. Vị trí đào là lối đi tắt từ nương thím Ấm qua sau nhà tôi, cạnh cây kéc.
Chúng tôi đào ban đêm, sâu quá đầu. Sau khi dọn dẹp hết tất cả đất mới đào, một cái chông tre nhọn được cắm xuống. Nắp hầm làm bằng tre đan, đủ giử một lới đất mỏng ở trên. Sau khi đậy nắp, hầm được ngụy trang để địch không phát hiện ra. Cuối cùng là dùng que tre chắn lối đi, không cho người qua, khi nào có giặc đi càn mới bỏ ra. Chúng tôi đợi mãi, mấy tháng sau mới phát huy tác dụng. Nhưng kẻ trúng bẩy hầm chông không phải là giặc Pháp mà là một con lợn to trên 50 kg. Đó là con lợn của ông Hội Hoài ở làng Hòa Ninh. Ông Hội Hoài chuyên nghề mổ thịt lợn bán ở chợ. Hôm đó có một con lợn của ông bị sổng ra. Từ nhà ông đến nhà tôi khoảng 2 cây số. Không hiểu sao, có rất nhiều hầm chông mà nó không sập, lại chọn hầm chông ba anh em tôi. Chúng tôi chẳng dám bắt lợn lên, cứ để đấy, vì đoán thế nào cũng có người đi tìm. Khoảng mấy tiếng sau người nhà ông Hội đến hỏi tìm lợn. Chúng tôi chỉ cho họ. Họ mừng quá, bắt về.
Sau đó ba anh em chúng tôi bàn lại. Lợn đã sụp xuống thì không may nữa đâu. Cả bọn quyết định đào cái khác. Vị trí đào lần này là lối tắt từ vườn nhà tôi qua nương vườn nhà Trâm. Lại chờ, chờ bao lâu tôi không nhớ nữa.
Một hôm có kẻng báo động hai hôi ba dùi, tức là ca nô Pháp đi cả hai nhánh sông Gianh, cả Rào Nậy và Rào Son. Các chú du kích biết chắc chuyến này chúng tạo gọng kìm bao vây lực lượng bên ta. Ca nô đich chạy rất nhanh. Vừa mới hai hồi ba dùi, đã nghe kẻng dục ba dùi một – tức là ca nô đã ghé bến, quân Pháp đã đổ bộ lên bờ. Sau đó bắt đầu có tiếng súng đì đùng phia trên. Cánh địch đi phía Rào Nậy lên tận Trung Thôn, đổ bộ càn xuống. Cánh phía Rào Son chạy lên phía rào Nan, đổ bộ vào Thọ Linh rồi càn xuống.
Trước lúc địch tới tôi thấy mấy chú du kích lố nhố, bàn bạc gì đó. Anh Cu Xờm, là một du kích gan dạ, nhà ở đầu xóm, chôn một quả mìn ngay lối đi từ nhà anh qua nhà tôi. Tôi và hai bạn Trâm, Biền nấp sau nhà, cố ý theo dõi. Khi lính Pháp đi qua tôi cố nín thở, chờ mìn nổ. Nhưng không, mìn không nổ. Chúng tôi quay sang phía hầm chông chúng tôi đào. Một tên lính Pháp đang đi đến gần. Ba đứa chúng tôi nắm chặt tay nhau, nín thở theo dõi. Tên lính Pháp dướn người lên, định đi vội qua lối đó. Bỗng dưng nó dừng lại, rồi quay ra đi phía khác. Chúng tôi thở phào một cái  rồi cùng thốt lên: Tiếc quá. Sau trận càn, ba đứa  kể chuyện với người lớn. Người lớn bảo: Cũng may cho chúng mày, nếu lính Pháp sụp hầm chông chết hoặc bị thương, chúng sẽ tàn sát hết cả xóm này. Cả ba đứa chúng tôi vừa tiếc, vừa mừng.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

ĐỊNH (Trích hồi ký, 1964)



Vừa thi đại học xong, đang nghĩ hè thì chị Lan và anh Nguyên về phép. Anh chị bảo tôi ra Hà Nội chơi chờ kết quả thi. Vài ngày sau thì chuẩn bị đi. Một buổi chiều, chị Lan báo cho tôi sáng mai ra Hà Nội. Tối đó tôi đi lên chợ Trường, muốn gặp Di chơi. Nhưng Di đã đi chơi với Cu Thương (Anh bạn Đinh Sĩ Thương - đến bây giờ hơn 60 rồi, bạn bè vẫn gọi anh là Cu Thương). Tôi quay trở về, đến quá cái miếu có tượng con hổ chầu trước cửa, thì nhìn thấy một bóng người từ trong xóm đi ra. Trăng rất sáng, nên cách khoảng 100 mét là tôi nhận ra Định ngay. Định là một cô gái xinh nhất nhì làng Hòa Ninh. Mấy lâu nay đi học vẫn thấy nhau, thỉnh thoảng cũng chào hỏi nhau. Định có khuôn mặt trái xoan, hơi nhọn cằm và hơi gầy, mới nhìn cứ tưởng là cô gái nơi thị thành. Một cái răng khểnh, mỗi lần cười, hàm răng trắng và đôi mắt bồ câu dễ thương hòa quyện nhau, một hình ảnh dễ thương khó quên.


Định mặc cái áo màu gạch nhạt, rất vừa. Hồi đó gọi là áo chiết ly. Quần đen là thứ quần bất di bất dịch đối với phụ nữ hòi đó. Định cũng thế. Đến gần, tôi lên tiếng trước chào Định, Định chào lại, tiếng Định nhỏ nhẹ. Sau khi chào hỏi qua loa, tôi định bước đi thì Định nói: Này anh Trinh, nghe nói ngày mai anh ra Hà Nội. Tôi ừ rôi nói chúc Định ở lại mạnh khỏe. Định cũng chúc tôi. Tôi đang do dự chưa muốn đi ngay. Định hỏi, anh có đỗ đại học không. Tôi nói chưa biết. Định lại nói, anh thành sinh viên, ở Hà Nội rồi quên hết quê hương. Sau câu nói đó của Định tôi chưa muốn đi ngay. Thế là hai chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Từ chuyện học hành, chuyện bạn bè, thầy cô, rồi sang chuyện làm đồng. Tôi thì lôi vài chuyện vui ra nói. Dân Hòa Ninh hay nói trạng (tiếu lâm), tôi cũng lây ít nhiều. Đang mãi nói thì bỗng nhiên tôi thấy trên mái tóc Định có mấy giọt sương long lanh. Biết là khuya rồi, tôi nói thôi nhé, hẹn sẽ viết thư, rồi hai đứa chia tay.

      Tôi ra Hà Nội một thời gian thì máy bay Mỹ ném bom sông Gianh. Một thời gian sau, gặp anh Cầu chồng cô Hà (con ông Huyên bộ trưởng bộ Giáo Dục) ở Thái Nguyên. Anh Cầu cho biết Định đi thanh niên xung phong, đã hy sinh. Nghe tin, tôi lặng người đi, như có một luồng gió lạnh thỏi qua tim mình.