Translate

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

CẤM VIẾT BẬY


Năm 1961 tôi học lớp 8, trọ ở một nhà dân đằng sau ty Văn hóa của tỉnh Quảng Bình. Thỉnh thoảng hay ra phòng hội trường của ty này chơi. Vì ở đây có ông Dương Tử Giang, trưởng ty, là bạn của cha tôi. Ở phòng hội trường này có tờ báo tường rất to và đẹp. Thời đó, ở các cơ quan trường học hay có báo tường. Vừa xem lướt qua tôi để ý ngay một bài báo của ông Dương Tử Giang. Ông mô tả lại hiện tượng ở một cánh cửa nhà xí: Trên cùng cùng cánh của có chữ ghép đôi:
“ Toàn + Lan”.
Dưới đó có ngay một dòng:
“Cấm viết bậy”
Hôm sau, dưới đó  lại có một dòng:
“Cấm viết bậy ở đây”
Cứ thế, cả cánh cửa chi chít dòng “Cấm viết bậy”, “Cấm viết bậy ở đây”...”Thằng nào viết bậy là mất lich sự”, “Tiên sư thằng nào viết bậy”...
Cuối bài báo ông Giang viết:
“Những thằng viết bậy luôn dạy người khác đừng viết bậy”.
Ông Dương Tử Giang lấy một hình ảnh có thực, và có vẻ như là chuyện trẻ con,  để nói đến một hiện tượng cũng rất có thực, có vẻ như là chuyện của người lớn, của mấy thằng to đầu, cái loại vừa “to đầu” vừa “nhỏ dái”, tức là cái loại người vừa dại vừa khôn.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

RỔ HÀNH



Năm 1957, tôi trở lại trường học, vào lớp 3, do thầy Trực chủ nhiệm. Thầy với tôi có một kỷ niệm khó quên. Nói đúng hơn là tôi khó quên, còn ông ấy dễ quên, không muốn nhắc lại, không muốn nhìn thấy tôi. Ông Trực học hết lớp 5, đi học thêm gì đó rồi dạy cấp 1.

Trong thời gian cải cách ruộng đất, nhà tôi bị chúng nó bao vây triệt để. Chúng cấm người trong nhà giao tiếp với ai bên ngoài, cấm người bên ngoài liên hệ với gia đình tôi. Lúc đó tôi là người bé trong nhà. Chị Cúc nghĩ rằng tôi có thể ít bị bọn cải cách ruộng đất để ý, nên bảo tôi đi bán hành. Nhà không còn rổ đựng hành, phải dùng cái lồng bàn. Tôi đang bê hành đi về phía chợ Mới, đến giữa cánh đồng Hòa Ninh thì gặp anh nông dân Trực. Trực bảo tôi mày con địa chủ đi phân tán tài sản rồi cướp rỗ hành của tôi. Tôi xin mãi hắn không cho. Tôi về kể lại, cả nhà khóc, vì sáng hôm đó nhịn đói.

Đến năm 1957, tôi đi học lớp 3 trở lại. Thật quá đen đủi, kẻ cắp gặp bà già. Đấy là nói bóng thôi, chứ tôi không phải bà già, “thầy” lại là kẻ cướp chứ không phải kẻ cắp. Học với Trực, nhưng tôi cứ ấm ức, tôi luôn bị điểm kém. Trực luôn tìm sơ hở của tôi. Có lần Trực định đuổi tôi, không muốn tôi học ở trường này, Trực ngại sự hiện diện của tôi. Tôi thì cố giử kín chuyện rỗ hành, nhưng nhiều lúc cũng không giấu nổi. Nhiều hôm bực quá, nghĩ lại chuyện cũ càng bực, tôi thét lên “trả rổ hành cho em”. Trực nghe, vội lẫn đi nơi khác. 

Thật buồn cười, những con người ăn cướp như Trực lại được mấy ổng cho đi làm thầy. Tôi nghĩ: Chắc rồi “Thầy ra thầy  trò ra trò”. Câu hỏi đó cứ theo tôi, từ lúc học cấp 1 cho đến lúc có học vị cao, cho đến khi bước lên khán đài nhận những phần thưởng và danh hiệu cao quý của khoa học công nghệ, của khoa học nhân văn.

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

THÙNG NƯỚC TỰ GIÁC



      Khoảng sau năm 73, có phong trào văn hóa mới: Ta vì mọi người, mọi người vì ta. Một trong những điều thực thi đó là: Thùng nước tự giác. Dạo đó, ở ngã ba Đuôi Cá Hà Nội, có một thùng.
       Thùng nước tự giác làm bằng tôn, dung tích khoảng 50 lít, có cái vòi lấy nước ra. Trong thùng là nước đun sôi để nguội. Nắp thùng được vít chặt và khóa vào thùng. Một cái cốc nhôm bé, được xích vào quai thùng bằng xích sắt. Phía trên thùng có một cái hộp tôn, nắp khóa, dùng để cho tiền vào. Phía ngoài hộp có dòng chữ: Uống nước xong bỏ tiền vào hộp. Toàn bộ thùng và cá phụ kiện trên được cố định vào một cái giá sắt. Giá sắt được chôn chặt xuống đất.
      Như tôi vừa mô tả ở trên, có lẽ chẳng một ai dám nghĩ đến chuyện lấy cắp thứ gì đó ở thùng nước tự giác. Sợ mất cắp, người thực thi chủ trương phải xích, khóa, chôn chặt.... nhưng họ lại nghĩ rằng người uống nước sẽ “tự giác” cho tiền vào hộp. Một lối tư duy ấu trĩ vô cùng. Trong tác phẩm THƠ NGỤ NGÔN – tập 3 của tôi, có bài thơ như sau:

Để khoe làng nước ta đây
Văn minh lịch sự hơn Tây, lẽ thường
Nên chi góc phố ngã đường
Nước dùng tự giác, từng thùng mới tinh
Uống xong tiền trả do mình
Bỏ vào cái hộp dễ nhìn phía trên
Chén con, khi uống nâng lên
Nhớ rồi để xuống, chớ nên đeo người
Chén con không thể nào rời
Bởi vì được xích vào nơi giá thùng
Chén con còn sợ người dùng
Tiền mong tự giác, thằng khùng mới tin

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

GÁNH THUÊ (Truyện hồi ký)

      Học hết lớp 7, nghỉ hè, tôi rủ Dụng con ông Lãng, cháu ông Hương Hạp và chú Chỉ con thím Rõi, vợ hai ông Hương Hạp xuống Ba Đồn tìm việc làm. Theo vai vế trong họ, Dụng gọi tôi bằng bác, Chỉ gọi tôi bằng anh. Chúng tôi tìm được việc gánh cát sỏi từ bờ sông vào công trường. Sau khi về nhà chuẩn bị quang gánh, ba anh em bác cháu xuống Ba Đồn, tìm nhà trọ rồi ra nhận việc.
       Bác phụ trách công trường dẫn chúng tôi ra bờ sông. Ở đó có nhiều đống cát, sỏi được vén thành hình khối vuông thành sắc cạnh. Đang thời kỳ xây dựng XHCN nên vật liệu xây dựng cần rất nhiều. Bác phụ trách chỉ cho chúng tôi một đống cát và một đống sỏi.  Bác ấy đo thể tích hai đống, ghi ghi chép chép rồi ghi tên chúng tôi vào sổ. Bác bảo: Các cháu gánh hai đống này vào công trường, khi nào hết thì báo cho bác, bác ra kiểm tra rồi giao tiền.
      Từ bờ sông vào công trường khoảng 500 mét. Sau khi gánh một buổi, chúng tôi tính, nếu gánh hết hai đống đó phải mất 5 ngày. Ngày đầu còn sung sức, sang ngày thứ hai chúng tôi bắt đầu thấy mệt. Mệt nên sinh lười. Tôi nghĩ ra một kế...
       Tối hôm đó tôi rủ Dụng và Chỉ đi tắm. Lúc đi tôi còn bảo mang đi mỗi đứa một cái rổ. Hai bạn kia hỏi để làm gì. Tôi bảo để xúc cá. Ra đến bến sông, tôi bảo không tắm ở bến thường tắm, mà lại gần bến tập kết cát sỏi đá, ở đó có cái cầu, nhảy cho sướng. Vừa xuống nước tôi nói ngay âm mưu của mình: Xúc cát sỏi đổ xuống sông.  
       Bây giờ Dụng và Chỉ mới hiểu ý định của tôi: Đổ bớt cát sỏi xuống sông cho đỡ gánh. Bởi vì người ta chỉ kiểm tra đã hết đống hay chưa, chứ không phải đo lượng cát gánh vào trong đó. Lúc đầu hai bạn kia còn sợ, chần chừ. Tôi đi làm luôn. Mặc kệ. Cuối cùng chúng phải theo tôi. Ba đứa hì hục một chập lâu, khoảng một nữa đống cát sỏi đã bị đổ xuống sông. Chỗ còn lại ngày mai lại gánh tiếp để họ khỏi nghi ngờ. Ngày hôm thứ ba chúng tôi gánh đến tầm 4 giờ chiều thì xong. Ngày hôm thứ tư lên báo với bác quản lý. Bác ấy ra kiểm tra rồi dẫn chúng tôi về nhận tiền.
       Hôm thứ năm chúng tôi đang chuẩn bị xin nhận thêm việc thì thấy bạn Phạm Thế Hùng đến báo tôi trên nhà nhắn tin xuống, phải về ngay. Té ra Dì tôi nhắn về để đi dân công thuê cho anh Hộ ở tận chân núi Ba Rền. Câu chuyện này bạn đọc xem cho vui, chứ chẳng học tập được gì. Người khôn của khó rồi. Những kẻ ngây ngô như ông phụ trách công trường ngày ấy không còn đất dung thân nữa.

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

TRỘM MÍA (Hồi ký)



      Sau khi thi đỗ vào cấp 3, tôi vào học ở thị xã Đồng Hới, cách nhà 40 cây số. Đồng Hới được mệnh danh là thành phố Hoa hồng, là nơi gắn bó với cuộc đời thi sỹ Hàn Mạc Tử, nơi có cửa biển Nhật Lệ hữu tình:
 Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
(Nguyễn Du)
       Vào thời đó, muốn đi vào Đồng Hới, chúng tôi phải xuống Ba Đồn, đi ô tô hàng hoặc xuống quốc lộ 1A xin xe bộ đội đi vào. Lúc đi ra, hôm nào có tiền thì đi ô tô, hôm không có phải đi bộ, đi từ tối, sáng sớm đến nhà. Vất vả vậy nên ít khi về nhà. Tiền ăn học, anh Sinh gửi cho tôi từ Hà Nội về, qua bưu điện.
       Một hôm tôi và anh Trần Duy Tiến rủ nhau đi bộ về nhà. Anh Tiến lớn hơn tôi hai tuổi. Đi được khoảng 10 cây số, đến vùng Chánh Hòa,  thì khát nước quá, nhìn hai bên đường thấy có mía, đã gần thu hoạch. Tôi bàn với anh Tiến bẻ một cây ăn cho đỡ khát. Hai anh em dừng lại, bước xuống ruộng, chưa bẻ được mía thì có người hô hoán ”trộm mía, trộm mía”. Chúng tôi vọt lên bờ bỏ chạy. Có một người, cầm cái gậy đuổi theo. Lúc đầu ông ta chạy rất nhanh. Vừa đuổi ông ta vừa quát: Chạy đằng trời, chuyến này chúng mày chết với ông. Chúng tôi tăng tốc.
       Chạy được khoảng hơn cây số, ông ta có vẻ mệt lắm rồi. Từ thái độ kẻ thắng ông ta chuyển sang cầu khẩn: Hai anh ăn trộm ơi, đứng lại cho em được nhờ, hai anh ăn trộm ơi... . Một lúc sau, ông ta van xin như khóc: Hai anh ăn trộm ơi, thương nhà em với, không thì nhà em khổ lắm. Chúng tôi cứ chạy, người kia cứ đuổi theo, lại cầu khẩn: Hai anh ơi thương nhà em với, họ sẽ trừ hết công điểm nhà em mất, em mệt lắm rồi không chạy được nữa... Chúng tôi nhìn lại, trong đêm có trăng sáng mờ mờ, thấy người kia cũng gầy yếu, hơn nữa chúng tôi có hai người, bên kia chỉ có một. Tôi và anh Tiến quyết định dừng lại.
        Đến gần chúng tôi, ông ta vừa thở hỗ hển vừa nói: Hợp tác giao cho em canh gác ruộng, nếu để mất mía sẽ bị trừ công điểm, rồi khẩn khoản: Hai anh trộm mía ơi, mời hai anh vào trong sân hợp tác một tý rồi hai anh lại đi, không việc gì hết. Hai anh vào, tôi báo đã bắt được trộm, họ không trừ công điểm của tôi.
Nói thực, nếu ông ta có tài nói thuyết phục như Obama, chúng tôi cũng chẳng ngu mà vào đó. Cuối cùng anh Tiến đưa cho ông ta ít tiền. Thấy ông ta cầm tiền, chần chừ, chúng tôi đi luôn. Không thấy ông ta đuổi theo nữa.
       Từ cổ chí kim, chưa bao giờ xảy ra chuyện cầu khẩn kẻ trộm đứng lại để bắt. Cũng may cho ông ta, gặp được kẻ trộm có văn hóa.

RANG NGÔ (Hồi ký)



      Hồi học ở Đồng Hới, ba đưa chúng tôi, gồm tôi, anh Tiến và anh Diệp, trọ chung một nhà. Nhà bà chủ chỉ có hai mẹ con, đứa bé khoảng 10 tuổi. Một buổi chiều học ôn bài xong thấy đói bụng, chúng tôi rủ nhau rang ngô ăn. Ngô thì nhà chủ có nhiều, còn thiếu cát rang. Định đi lấy cát nhưng hơi xa, đứa nào cũng lười, đùn nhau. Bỗng nhiên tôi nghĩ ra là, người ta hay dùng để cho vào lư hương. Thế là chúng tôi lấy một cái lư hương trên bàn thờ, đổ ra lấy cát rang ngô. Xong xuôi, sàng lấy ngô, còn cát lại đổ vào lư hương, cắm chân hương lên như cũ.
       Đến gần tối bà chủ về, vào bàn thờ thắp hương. Bà phát hiện thấy mày ngô trong lư hương, biết ngay chúng tôi đã dùng cát này để rang ngô. Bà khóc rồi nằm sụp lạy trước bàn thờ, cầu xin tổ tiên ông bà tha tội. Sau đó bà vội vàng bắt một con gà sống choai hơn một cân làm thịt, nấu xôi, làm một mâm mang lên cúng để xin tổ tiên ông bà tha tội cho. Thần linh hay tổ tiên ông bà cũng như người trần, không thể nói chay được, xong xôi mới rồi việc.
       Cúng xong, bà dọn mâm ra ở nhà dưới, bảo thằng con của bà lên mời chúng tôi xuống ăn. Lúc đầu chúng tôi chối, ngại quá, nhưng bà mời thật. Bà nói đây là lộc của tổ tiên ông bà các chú ăn để các vị xá tội cho. Cuối cùng ba anh em chúng tôi phải ngồi ăn cùng gia đình. Lúc đầu còn ăn dè, làm khách, nhưng ngon miệng quá, không cưỡng lại được, chúng tôi chén hết sạch, còn mấy cái xương, gặm nốt, ngon quá.

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

KIM LOẠI DẪN LẠNH



      Hôm đó trời rất rét, lớp 7 chúng tôi học bài kim loại với thầy Hồng. Trong phần tính chất, thầy giảng rất kỹ về tính dẫn nhiệt dẫn điện.

       Chép bài xong, cả lớp gập vở lại để trả lời câu hỏi. Thầy cầm thanh đồng đến gần một bạn ngồi bàn đầu, tên là Huê. Thầy áp thanh đồng vào má bạn Huê rồi hỏi, em có cảm giác thế nào nói to cho cả lớp nghe. Bạn Huê trả lời em thấy lạnh lắm ạ. Thầy quay ra phía lớp hỏi: Đây là thanh kim loại đồng, kim loại dẫn nhiệt tốt, tại sao áp vào má lại thấy lạnh, em nào biết.
       Cả lớp đang ngẩn tò te suy nghĩ, còn bạn Vĩnh người cảnh Dương giơ tay ngay. Thầy cho nói. Vĩnh bảo: Thưa thầy kim loại dẫn nhiệt cũng tốt mà dẫn lạnh cũng tốt ạ. Cả lớp cười như nắc nẻ. Thầy Hồng phì cười đánh rơi cả thanh đồng xuống đất.  Ông bạn Bạn Vĩnh bây giờ ở thành phố Huế, buôn bán bất động sản và tranh ảnh, giàu lắm.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

THƯƠNG ÔNG TƯ QUÁ (Hồi ký)



Sau mấy ngày làm quần quật, chúng tôi nghĩ xã hơi vài hôm. Chủ nhật, 8 giờ sáng, tôi và Đam vừa đi ăn sáng về, đã thấy trước cửa một đống dừa và một can rượu hơn hai lít. Hai thứ này do anh Hải từ bên Bình An mang đến. Dừa là để anh Tám (tức là tôi) dùng, vì nghe nói anh Tám thích uống nước dừa. Rượu là để nhậu. Anh Đam ra chợ Thủ Thừa, mang về hai con ngan và một súc thịt bò. Thịt bò ở đây rẻ hơn thịt lợn. Khoảng 9 giờ thì chín người đã có mặt. Họ xúm vào làm thịt ngan, xào nấu thịt bò...
Đến mười giờ, thức ăn đã sẵn sàng. Hai chiếc chiếu được trãi ra. Anh Đam hò hét mọi người đi gọi cậu Năm, chú Chín, ông Tư... Cuối cùng điểm mặt vẫn thấy thiếu ông Tư Tước cạnh nhà. Người đi gọi chạy về báo ông Tư vào Bo Bo chưa về. Cả hội bắt đầu khai cuộc. Bên ngoài là một vòng tròn mười hai người, giữa là đủ thứ, nồi cháo, ba đĩa thịt xào, bánh đa, rau sống, ớt.... Hai chai la vi rượu và một cái chén, là linh hồn của bữa nhậu, đã được trang trọng đặt giữa chiếu. Một cái chén uống lần lượt, chứ không phải mỗi người mỗi chén như ngoài Bắc.
Trước hết anh Đam rót một chén rượu đầy, nói mấy câu vừa vui vừa trịnh trọng rồi đưa chén cho tôi: Mời anh Tám uống với em trước. Có hai cách uống rượu với nhau: hoặc là đưa cả chén rượu đầy cho người mình mời, sau đó người được mời “trăm phần trăm” xong, lại rót đầy chén mời lại; hoặc là người được mời dùng năm mươi phần trăm, sau đó mời lại người mời mình. Cứ thế cái chén đi vòng quanh theo quỷ đạo qua 12 người. Vòng người vừa uống vừa gắp mồi mời nhau. Cái bát của tôi lúc nào cũng đầy ụ vì nhiều người gắp bỏ vào.
Câu chuyện vòng người mỗi lúc một rôm rã, nhất là khi có hơi men. Một chốc sau, can rượu đã hết. Anh Đam bảo anh Hải chạy ra chợ mua thêm. Chẳng mấy chốc lại một can rượu hai lít mang về. Khoảng hơn 12 giờ có vài ông xỉn, bò lăn ra chiếu, nhai rau sống. Tôi là người được anh em “quý mến” nhất nên cũng choáng váng đầu, định cáo nhưng không được. Một lúc sau, tôi không thể nào chịu được nữa, người như đang bay trên mây, mắt hoa... Tôi  nằm lăn ra chiếu nhai rau sống. Khi hết nửa can rượu thứ hai thì có năm anh lăn ra chiếu, có vài anh nôn. Cả vòng người chỉ còn lại anh Đam và bốn chú trẻ tuổi. Buổi nhậu đến đấy xem như kết thúc. Nhiều người bắt đầu ngáy. Cái âm thanh là lạ đó dồn dập nối nhau, giữa một trưa đầu mùa hè.
 Một lúc sau mọi người đã tỉnh lại, rữa mặt mũi, chuẩn bị dọn mâm bát... thì bất chợt nghe ai nghêu ngao bên ngoài:
Long An anh dũng kiên cường
Anh đi đánh giặc, mượn xuồng không cho
Đánh giặc mượn xuồng không cho
Anh đi uống rượu em cho mượn xuồng.
Mọi người nhìn ra. A ông Tư đã về, tay xách một con rùa khoảng một cân. Ông Tư quẳng rùa vào nhà anh Đam, bảo là thằng Ba Nhịn cho tao, mày thịt mà làm mồi. Mọi người gọi ông Tư vào. Ông nói tao vừa nhậu, về nhà rồi sang. Mọi người không chịu, lôi ông Tư vào bằng được. Thế là cả hội lại hỳ hục thịt rùa. Trong chóng vánh, hai đĩa thịt rùa được bày ra. Ông Tư, cậu Năm, chú Chín và cả hội lại ngồi vào thành vòng. Một can rượu lại được mua về. Cái chén lại tiếp tục cuộc hành trình vòng quanh chiếu. Can rượu mới hết một nữa thì nhiều chiến sỹ đã gục tại trận. Người thì nhai rau sống, người thì nôn.
Đợt này tôi cố tránh, uống rất ít, tuy thế chỉ một lúc sau là nằm bất động. Khi tôi tỉnh dậy trời đã tối, mọi người về hết. Tôi ngủ tiếp. Đến nữa đêm tôi thấy tức ngực khó thở, vội gọi anh Đam dậy mở hết cửa. Cửa đã được mở toang hết nhưng cái ngực tôi vẫn nặng chịch, khó thở quá. Vợ chồng anh Đam bắt đầu lo, vội lau mặt, xoa ngực, xoa dầu cho tôi, nhưng tôi vẫn không đỡ, khó thở vô cùng.. Anh Đam vội vàng đi gọi anh Hùng. Sau đó hai anh lai tôi ra bệnh xá huyện Thủ Thừa.
Sau khi nghe anh Đam kể lại hiện tượng, ông bác sỹ tại chức đặt ống nghe. Vừa nghe xong ông ta nói ngay: Nhồi máu cơ tim. Anh Đam hỏi lại ông ta vẫn trả lời: Nhồi máu cơ tim. Ông giục lên bệnh viện tỉnh ngay, nếu chậm sẽ không cứu được. Anh Đam và Hùng tái mặt, vội vàng đi gọi lái xe. Lái xe đến, ra xe, lại quên chìa khóa xe. Anh Hùng phải đưa về lấy. Cả ba người lên xe, khởi động mãi xe mới nổ máy. Với bao nhiêu sự cố, nhưng cuối cùng tôi vẫn đến được bệnh viện thị xã Tân An. Lúc đó khoảng một giờ sáng.
Hùng và Đam đưa tôi vào phòng cấp cứu. Ông bác sỹ mắt nhắm mắt mở đeo ống nghe. Nghe xong ông ta đặt điện cực lên ngực, lên chân tôi, để đo điện tim. Sau khi chuẩn bị xong, ông ta bật công tắc. Máy không chạy. Bác sỹ bật đi bật lại công tắc mấy lần, máy vẫn bất động. Ông bực mình đập “bộp bộp” mấy cái vào máy, vẫn thế. Cả ba người vội vàng cho tôi sang một phòng khác có máy điện tim. Bác sỹ vừa cài các đầu dò vào người tôi, thì nghe “ tạch” một cái. Cả phòng tối om. Mất điện. Tôi cố hết sức, nói với Hùng và Đam trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu: Thôi thế là hết rồi. Đây là Long An, con rồng sẽ an nghỉ ở đây, hai em cố gắng hoàn thành nốt công việc cho anh, có gì khó khăn thì gọi cho anh Đặng Vũ Minh viện trưởng viện Hóa ở Hà Nội.
 Hùng và Đam rơm rớm nước mắt. Hùng mếu máo đang định nói gì thì căn phòng vụt sáng. Có điện rồi. Hùng và Đam thở phào một cái, rồi mĩm cười : Anh yên tâm. Vừa lúc đó bác sỹ đến, tiếp tục chạy điện tim. Xong xuôi ông ấy bảo: Không sao, nhẹ thôi. Ông ta tiêm cho tôi một mũi ở tay rồi cho ngậm một viên thuốc. Một lúc sau tôi thấy đỡ chút ít. Tôi bảo Hùng và Đam anh đỡ rồi. Hai chú thay nhau, vừa trông tôi, vừa nghỉ ở giường bên cạnh. Đến sáng thì tôi đã đỡ nhiều. Hùng Và Đam cũng đã ngủ được một ít.
Khoảng 7 giờ sáng Hùng và Đam đang định thay nhau trông tôi để về nhà thì anh Bào đến báo: Ông Tư đi rồi. Anh Đam hỏi lại: Đi đâu. Anh Bào mếu máo: Ông Tư chết rồi, hôm qua uống rượu xong ông về năm ngủ trên võng rồi không dậy nữa. Hùng, Đam và tôi tái mặt, sáu giọt nước mắt lăn trên gò má ba người. Thương ông Tư quá.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

HAI QUẢ BẦU (Hồi ký)



      Vừa kết thúc cuộc họp bảo vệ luận án tiến sỹ cho một anh trong viện Hóa học, tôi vội vàng ra cổng viện, đi xe ôm về Cầu Giấy để bắt ô tô buyt về nhà cho nhanh. Chiều tôi phải bay vào Sài Gòn, vì có hẹn với anh Tư Phùng ở Long An vào sáng mai. Trả tiền, trả mũ bảo hiểm cho ông xe ôm xong, tôi nhảy vội lên xe 27 cũng vừa đến. Ghế ngồi đã kín nhưng may quá có một cháu nhường chỗ ghế một ngang giữa xe. Tôi cảm ơn cháu rồi ngoái lại phía sau: Rất đông các cụ bà mặc áo nhà chùa vừa đi lễ về. Bà nào cũng cầm một cành lá vàng, môi đỏ tươi vì trầu, vẻ mặt rất hân hoan, chắc là xin được nhiều “của rơi của vãi” của thánh thần.
       Tôi vừa ngoái cổ lại về hướng trước, một cô bé đã đứng trước mặt tôi, cách hai hàng ghế. Không còn ghế, cô phải đứng, hai tay giơ lên bám vào thanh vịn tay phía trên đầu. Một số người đến sau đều đứng ở phía sau, vì thế các cụ bà nhìn thấy rất rõ cô bé trước mặt tôi.
       Cô bé rất trẻ, khoảng 19 - 20, chắc là không phải người Hà Nội. Cô ta mặc cái quần nữ kiểu mới, trễ rốn, áo thì mõng và ngắn. Hai tay cô phải bám vào thanh vịn trên cao, vì thế ngực ưỡn ra. Hai quả bầu hơi quá cỡ của cô neo buộc không kỹ lắm, cứ đánh nhịp theo bánh xe lăn. Cô ta đứng ngược sáng so với chỗ tôi và các cụ bà chùa nên nhìn rất rõ hình dáng và làn da trắng hồng mờ mờ dưới làn áo của hai quả bầu. Mục tiêu ấy luôn di động nên rất dễ dập vào mắt người ngồi sau. Với cái nhìn của một nhiếp ảnh gia, tôi trân trọng cái khoảnh khắc này, nhưng không dám nhìn kỹ, cứ giả vờ nhìn sang chỗ khác, thỉnh thoảng mới liếc qua. 
      Nhìn hình ảnh đó, các bà phía sau rất khó chịu. Một bà bắt đầu lên tiếng:
-          Cô kia ơi, ngồi gọn vào cho người ta đi.
Cô bé vờ như không nghe tiếng. bà kia lại nhắc lại;
-          Cô kia ơi...
Cô bé liếc nhìn mấy hàng ghế nhưng không còn chỗ, cứ đứng vậy. Thấy cô bé vẫn đứng, các bà bắt đầu nhao nhao:
-          Cô kia ơi...
-          Cô kia ơi...
-          Cô kia ơi...
Cô bé không nhúc nhích. Các bà bắt đầu đỏ mặt đỏ mày, dùng đủ ngôn từ dành cho cô bé.  Từ vẽ từ bi của kẻ vừa bước ra khỏi cửa thiền, bây giờ lộ rõ nguyên hình “sư tử Hà Đông”. Bị tấn công vô cớ, cô bé càng phớt lờ, mặc kệ.
       Thấy cảnh vậy, tôi quay mặt ra phía sau:
-          Các bà buồn cười nhỉ, cô ta đứng đấy việc gì phải lắm lời, các bà không thích, có người khác thích thì sao.
Ối trời ơi, chắc các bạn không tưởng tượng nổi những ánh mắt căm hờn lúc đó đang chĩa vào tôi. Đủ thứ lời hắn học ném vào tai tôi:
-          Các ông cái gì mà chẳng thích, tiền tham nhũng thiếu gì.
Các bà ấy nói vậy vì tôi rất giống một ông tham nhũng: Cái cặp da mới mua ở Bờ Hồ giá sáu trăm ngàn đồng, áo quần vét vừa là, sơ mi trắng phía trong, cà vạt hoa xanh hồng, trên túi ngực còn lộ một phong bì tiền bồi dướng, do cô Lan Anh vừa nhét vào cho tôi lúc kết thúc cuộc họp.
          Thấy các bà lắm chuyện, tôi bắt đầu chọc tức:
-          Các bà bảo ai tham nhũng, tiền trong kho bạc nhà nước, phải có mưu có mẹo mới lấy ra được, các bà lười không chịu động não, làm sao tiền về nhà.
Thế là một cuộc khẩu chiến không cân sức bắt đầu. Các bà nhà chùa đông, tự do dùng đủ lời. Tôi một mình, lại phải dùng từ chọc tức chuẩn, sợ lỡ miệng.
Sau khi không còn đòn gì nặng hơn một bà tuyên bố:
-          Được rồi, được rồi, cứ chờ đấy, có ngày đeo còng.
Không ngờ lại gặp một “ông tham nhũng” trơ trẽn như thế, các bà cũng chẵng biết nói gì thêm, ngoài câu:
-  Thôi không thèm nói với bọn tham những nữa.
Vừa lúc đó xe dừng, các bà giục nhau xuống, lúc qua chỗ tôi, không quên ném vào mặt tôi một cái nhìn hằn học. Bà xuống sau cùng còn ngoái cổ lại:
-          Chào ông tham những nhé.
Tôi trông cho các bà xéo để nhìn lại hai quả bầu. Nhưng không ngờ, khi các bà xuống hết, tôi ngoảnh mặt về phía trước, hai quả bầu đã biến đâu mất.

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

LÀM LỢN ĂN CƠM MỚI (Hồi ký)



      Dân quê tôi thường có tập quán ăn mừng “Cơm mới” vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch. Tuy thế những năm mất mùa đói kém, cũng đành xếp lại.
      Đặc sản lớ : Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, dân quê tôi đói lắm. Vào ngày ba tháng tám phải móc khoai non hoặc gặt lúa non về ăn. Khoai non chỉ cần luộc là được, còn lúa non thì phải chế biến thành “lớ” mới ăn được. 
      Lúa non mang về tuốt lấy hạt, thường là mới hết thời kỳ ngậm sữa, đang vào chắc. Sau đó rang hạt lên rồi giã thành bột. Sau khi sàng sảy bỏ hạt to, phần còn lại giống như cám, gọi là lớ. Về hình thức, cũng như cách chế biến, lớ thực chất là một loại cám. Bởi thế có câu chuyện hài hước như sau:
      Một hôm ông Mẹt Hai ở làng trên đi thăm ruộng, gặp  ông  Cu Lý ở làng dưới. Ông Hai hỏi chào trước:
Năm nay nhà bác làm gì mừng cơm mới?
Ông Lý nói ngay:
- Làm lợn
Ông Hai không tin hỏi lại:
- Bác nói đùa đấy chứ?
- Tôi có bao giờ nói đùa đâu, cả nhà ăn cám, không làm lợn thì làm gì.
Ông Hai cười rất to:
- Thế thì nhà em cũng làm lợn.
- Thời buổi cải cách này ai chẳng làm lợn ăn cơm mới. Ông Cu Lý đáp lại.

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

ÔNG JULIANO (Hồi ký)



Trong thời gian làm nhờ  một số thực nghiệm ở Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp, tôi có may mắn được gặp ông Juliano. Ông Juliano, người Philippin, chủ nhiệm khoa Hóa học ở Viện Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippin. Ông là nhà khoa học hàng đầu thế giới về lĩnh vực Hóa học và chất lượng lúa gạo. Sau này ông được tôn vinh là nhà khoa học tiêu biểu của khối Asean. Là nhà khoa học tầm cỡ như thế, nhưng ông rất vui tính, dí dõm.
 Đề tài luận án của tôi thuộc lĩnh vực nghiên cứu của ông Juliano. Vì thế, mấy hôm nhà khoa học nổi tiếng này đến thăm viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp tôi luôn ở bên cạnh ông.
Một hôm chúng tôi tọa đàm khoa học với ông Juliano, anh Lê Doãn Diên chủ trì. Chúng tôi trao đổi rất nhiều vấn đề, nhưng ông Juliano quan tâm nhất là mối tương quan giữa hàm lượng protein trong hạt và năng suất. Hai thông số này thường có tương quan nghịch.  Rất may là tôi đã có rất nhiều số liệu về vấn đề này. Tuy thế, theo số liệu của tôi thì tương quan này chỉ ở mức r = (-0,45), còn số liệu của ông Juliano cho  tương quan chặt hơn (r< -o,45).
Kết luận này có một ý nghĩa to lớn trong thực tế. Hai chỉ số, hàm lượng protein trong hạt và năng suất, tương quan ngược chiều, cho nên, nếu chọn giống theo hướng tăng hàm lượng protein sẽ dẫn đến hậu quả giảm năng suất. Do đó, trong quá trình chọn giống, phải luôn luôn theo sát cả hai chỉ tiêu này. Sau này, anh Vũ Tuyên Hoàng có theo đuổi giống giàu protein, tôi không biết kết quả đến đâu.
Trở lại buổi tọa đàm.
Sau đó anh Lê Doãn Diên trình bày một số kết quả nghiên cứu của mình. Anh Diên lôi quyển luận án làm ở Bungari ra để trình bày. Vừa thấy anh Diên cầm lấy quyển sách, ông Juliano đã nhìn tôi tủm tỉm cười. Đợi anh Diên nói xong, ông ta “sorry” rồi cầm lấy cuốn luận án từ tay anh Diên. Ông cong cong hai ngón tay lại rồi đo đo phía gáy sách, Vừa đo đo vừa nói: “Very thick”. Tôi hiểu ý ông Juliano nhưng không dám cười, sợ phật lòng anh Diên.

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

QUÀ CHO CHÓ (Hồi ký)



Tôi đi sang Nhật một thời gian dài. Hôm đi, bà xã ra sân bay tiễn chân. Lúc đang gần tôi nói chuyện, dặn dò mấy thứ. Đi ra một quảng xa, tôi không ngoái lại nữa. Sang bên Nhật, nhớ nhà, tôi gọi điện thoại về. Bà xã có vẻ giận, nói như trách: Tại sao lúc đi không quay lại vẩy tay gì cả. Tôi nói: Anh muốn vẩy tay lắm, nhưng sợ  vẩy nhầm vợ người khác, nên thôi. Nghe có lý, một tiếng cười dễ thương theo sóng điện truyền đến tai tôi.
Nói nhớ nhà là nói chung thế thôi. Kỳ thực tôi nhớ nhất là con chó. Con vật tôi yêu quý đó, trung thành, trông nhà trông cửa, mỗi lần đi đâu về nó chạy ra đón đầu tiên, đuôi vẩy tít mù, lưỡi liếm khắp người chủ. Có hôm nó còn nhảy lên liếm hẳn vào mặt cho đã nư. Tình cảm của con chó với chủ là tình cảm thật. Đã có bài văn nổi tiếng nói con chó thương chủ hơn cả những người thân nhất. Chủ có lên thiên đường, nó sẵn sàng đi theo, mặc dầu biết rằng nơi đó không xương để gặm. Con chó của tôi không biết có quý tôi đến mức đó hay không, nhưng mỗi lần tôi đi xa lâu ngày, nó thẩn thờ, phục ở của chờ.
Ở Nhật, tôi thấy họ dành riêng những khu vườn cho chó. Mỗi buổi sáng, người Nhật dắt chó ra đấy, chó chơi đùa và đi vệ sinh thoải mái. Ở nước mình chưa thấy có những khu vườn như thế. Kể ra đất nước tư bản cũng có cái hay. Tận mắt thấy điều đó, tôi thương con chó nhà mình vô cùng, không có chỗ chơi, không có chỗ ỉa.
Hồi ở nhà, mỗi lần đi xa về, tôi thường mua quà cho con chó. Quà hay mua nhất là cái nem chua. Hôm đi công tác ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi mua hắn một xâu mấy chục chiếc nem chua, khi qua phà Cao Lãnh. Đấy là loại nem Lai Vung nổi tiếng. Lúc đầu định không mua, sợ mang ra Hà Nội hỏng mất, nhưng nghe ai đó đọc câu ca dao:
Lai Vung là xứ lạ lùng
Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say
nên lại mua. Anh Ba Cang, giám đốc sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, nói cho tôi an tâm: Không sợ hỏng đâu, người ta vẫn mang ra Hà Nội làm quà.
          Sau thời gian làm việc với các nhà khoa học và tiến hành một số thí nghiệm trường Đại học Tổng hợp Tokai ở Nhật, tôi chuẩn bị về. Trước lúc về, không quên mua quà cho con chó. Quà gì nhỉ, nem chua thì không thấy có, xương là thứ chó thích nhất thì sợ hỏng, hàng điện tử thì chó không biết dùng. Cuối cùng tôi mua cho con Happy cái đục đạc, loại đặc biệt, phát ra âm thanh rất hay. Nhưng cũng vì cái đục đạc này mà sinh rắc rối khi về nhà.
          Hôm rời đất nước “Mặt trời mọc” tôi ra sân bay Narita. Ông bạn Tsuda không ra tiễn. Hình như đó là thói quen của người Nhật. Họ chỉ đón rất nhiệt tình lúc đến, còn lúc đi, miễn. Qua hai chặng máy bay: Narita – Hongkong – Hanoi, tôi về đến nhà thì đã hơn mười giờ tối. Như thường lệ, con Happy chạy ra đón đầu tiên. Tôi quẳng đồ đạc vào một góc rồi vội vàng lấy cái đục đạc đeo vào cổ con chó. Tiếng đục đạc reng reng. Con chó không quen, chạy lọan xị khắp nhà. Tôi vội vàng đuổi bắt, vuốt ve để nó bình tĩnh lại.
Đang loay hoay theo chó, quay lại chẳng thấy bà xã đâu. Tìm dưới bếp, dưới nhà không thấy, cứ nghĩ, bà ấy chạy ra ngoài mua thức ăn gì đó. Nhưng tôi đợi mãi vẫn không thấy về. Chột dạ, tôi chạy lên tầng hai. Thì ra bà ấy đang năm trong chăn khóc nức nở. Tưởng là có chuyện gì, hay là lúc mình đi vắng có ông nào léng phéng..., nhưng không phải. Cuối cùng cô ấy vừa nấc vừa nói: Đi lâu, về nhà chẳng hỏi gì đến vợ con, cứ chó, chó chó...hu hu...

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

ĐẸP HƠN CHÓ (Hồi ký)


       Tôi có con cho tên là Happy rất đẹp. Đây là giống chó lai giữa giống chó Nhật và chó ta. Cũng giống như người, con lai thường đẹp hơn bố mẹ. Con Happy mặt tròn, chân thấp, cái đuôi to. Toàn thân phủ một lớp lông dày như lông cừu. Đôi mắt nó long lanh trông rất đa tình. Buổi tối tôi thường dắt con Happy đi chơi. Khi đi qua chỗ hàng ăn buổi tối, ai cũng khen chó đẹp. Một hôm, thấy họ khen chó hoài, tôi nói vui: Các cô cứ khen chó đẹp mà chẳng thấy khen người, chắc là người xấu. Một cô mau mồm nói ngay: Không, bác cũng đẹp, bác đẹp hơn con ”cho... á”. Biết lỡ miệng, cô ta lấy tay bưng mồm lại. Tôi không nói gì, cứ dắt chó đi, nghe phía sau cười rúc rich. Tôi thầm nghĩ: Người ta thì vĩ đại, muôn năm, bất tử ..., mình thì đẹp hơn con cho...á. Thôi, chẳng sao, những thứ kia thì chưa chắc, còn đẹp hơn con cho... á thì rất có thể.

CHUÔNG ĐỒNG LINH THIÊNG



Bà nội tôi là con quan huyện cử nhân Nguyễn Hài làng Thổ Ngọa. Nguồn gốc họ Nguyễn này là từ Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Gia phả ghi như sau: Có hai vợ chồng họ Nguyễn ở Can Lộc. Chồng ở làng Thổ Vượng, vợ ở làng Ngọa Kiều, được vua cấp đất ở vùng gần cửa sông Gianh. Sau khi định cư lập làng nơi ở mới lấy tên là Thổ Ngọa, do ghép hai chữ đầu của Thổ Vượng và Ngọa Kiều ở Can Lộc. Họ Nguyễn bà tôi có 5 đời hưởng tước quận công. Hiện nay bà con gần bên phía bà nội có gia đình ông Bái, ở xóm Giữa xã  Quảng Thọ.
Tôi được nghe ông Bái, hậu duệ thứ 8, kể lại chuyện cái chuông của nhà thờ họ bị mất và sau mười hai năm thì được trả lại. Một câu chuyện rất ly kỳ và huyền bí. Nghe xong, ai cũng cảm thấy phải soi xét lại bản thân mình.
Biết tin tôi về quê, ông Bái nhắn tôi đến chơi bằng được. Dạo đó Bác làm nghề đúc chum bằng xi măng. Bác nghỉ một hôm để đón tôi. Sau bao nhiêu năm xa cách, nay gặp nhau mừng vô cùng. Bác nhấc chén trà thơm mời tôi, rồi không muốn tôi phải sốt ruột, Bác bắt đầu câu chuyện. Vừa kể đôi mắt bác nhiu nhiu lại, như đang nhìn vào một cõi xa xăm...
Trong thời kỳ chiến tranh, nhà thờ họ Nguyễn bên bà nội tôi bị mất một cái chuông đồng. Cả họ truy tìm nhưng không thấy. Mãi mười hai năm sau tự nhiên có người ở Thanh Hóa mang vào trả. Tìm được chủ cái chuông, người nhà đúc đồng mừng rỡ vô cùng. Họ kể lại câu chuyện huyền bí, không sót chi tiết nào, cho ông trưởng họ Nguyễn nghe.
 Họ là dân đúc đồng ở Thanh Hóa, thường đi mua nguyên liệu khắp nơi. Một hôm họ đi qua vùng này, có một người gọi bán cái chuông. Họ mua về Thanh Hóa. Sau khi mang chuông về Thanh Hóa, họ có gọi mấy người sưu tầm đồ cổ để bán. Lúc đầu bên mua trả ba chỉ vàng, chần chừ không bán. Sau đó viện bảo tàng đến mua, trả ba chỉ rưỡi, định bán nhưng không thấy người mua quay lại. Thế rồi cái chuông vẫn được cất đấy.
Từ khi mang chuông về, nhiều tai họa đã đến với gia đình. Trước hết là chuyện làm ăn thua lỗ. Hàng hóa không bán được, khách đặt hàng giảm dần. Một thời gian sau đứa cháu bị bại liệt. Chưa hết, sau đó đứa con dâu mất trí, suốt ngày nói lảm nhảm. Có nhiều lúc cô ấy nói: Trả cái chuông đồng đi, đường tham. Sau bao nhiêu tai họa, gia chủ cũng đã cúng vái khắp nơi nhưng tai họa chưa hết.
Qua một thời gian dài, cái chuông đồng không ai hỏi mua. Quý thì quý thật nhưng bán không được, lại gặp thời kỳ hiếm đồng, gia chủ định nấu cái chuông để đúc nồi. Hôm đó lò bệ đã sẵn sàng, chuông đồng đã cọ sạch mang vào. Bỗng dưng có một tiếng nổ long trời từ trong lò. Cái lò bị tung lên, còn năm gian nhà của gia chủ bị sập. Sợ quá, lần này gia chủ quyết định đi bói. Khi đến gặp thầy. Không đợi gia chủ kể lại sự việc, thầy nói ngay: Gia chủ đang giữ một vật linh thiêng của một dòng họ danh tiếng, mau mau trả lại, nếu không còn bị tai họa nữa.
 Thế là người nhà đúc đồng kia vội vàng tìm nơi để trả lại chuông. Họ lên đường ngay. Khi tìm đến nơi người bán, kể lại đầu đuôi câu chuyện, người đã bán chuông cũng sợ. Người bán đó chỉ cho người nhà đúc đồng chủ nhân cái chuông, và dặn làm ơn đừng khai gì cả. Nhờ đó người mua chuông biết và mang đến trả cho họ Nguyễn bà nội tôi. Tính từ ngày mất chuông, đến khi được trả lại, đã mười hai năm.

Kể chuyện chuông đồng
Tác giả Nguyễn Xuân Bái (hậu duệ đời thứ 8)

001
Bà con ơi, lạ quá
Nghe em kể chuyện này
Một câu chuyện rất hay
Mới nghe không tin nổi
Nhưng khoan đừng có hỏi
Câu chuyện thật hẳn hoi
Ở xóm Giữa đây thôi
Tại nhà thờ họ Nguyễn
009
Chuông đồng là cốt chuyện
Để em kể đầu đuôi
Trưa mười bốn vừa rồi (tháng hai)
Ông bà ngoài Thanh Hoá
Đã khiêng chuông đến trả
Tại ngay ở từ đường
Không tính toán đong lường
Không yêu cầu gì cả
Rồi kể về chuyện lạ
017
Từ khi đem chuông về
Gặp rắc rối nhiều bề
Nào buôn thua bán lỗ
Nào lò đúc bị nổ
Sập cả năm gian nhà
Đứa con dâu hiền hoà
Bỗng bị điên dở chứng
Rồi cháu từng nuôi nấng
Bị bại liệt hoàn toàn
Hết thuốc tây thuốc nam
Hết hương đèn khấn vái
028
Bệnh không hề dừng lại
Cứ nằm liệt trên giường
Con dâu thì phát cuồng
Chui cả vào bụi rậm
Miệng đôi lần lẩm bẩm:
Trả ngay cái chuông đồng
Đừng ham của tiếc công
Phải trả ngay lập tức
036
Riêng bà đầu đau nhức
Chợp mắt là chiêm bao
Thấy rắn rết bò vào
Vây quanh mình ghê rợn
Khi thì người cao lớn
Xà cạp trắng quấn chân
Đến đòi chuông mấy lần
Tỉnh ra rồi rất sợ
044
Chưa hiểu ra nguyên cớ
Cứ hoặc hoặc nghi nghi
Nhà ăn ở chuyện gì
Tại chuông đồng, có lẽ
Đành tìm thầy xin quẻ:
Thầy phán chính chuông đồng
Đã mua ở miền trong
051
Mười hai năm về trước
Của linh thiêng mua được
Chẳng biết, cứ vui mừng
Và lại rẻ qua chừng
Năm đồng ba lúc ấy
Đem về nhà để đấy
Ai trả giá thấy hời
Thì bán đi kiếm lời
Nếu không đem nấu lại
Đúc ra thành các loại
061
Đem bán cũng dễ dàng
Họ trả ba chỉ vàng
Đã mừng thầm định bán
Nhưng còn chưa quyết đoán
Thế là lỡ tiền vàng
Đến lượt viện bảo tàng
Trả lên ba chỉ rưỡi
Lòng càng mừng khấp khởi
Tính ra đã quá hời
Đã định bán đi rồi
Họ lại thôi không hỏi
072
Năm này qua năm tới
Chuông vẫn để trong nhà
Không việc gì xảy ra
Không ai người hỏi đến
Chuông chẳng hề di chuyển
Gặp lúc đồng hết rồi
Định đúc lại thành nồi
Thì bỗng dưng lò nổ
Thế là đành để đó
081
Vì thế chuông vẫn còn nguyên
Đúng là vật linh thiêng
Mình người trần mắt thịt
Nhờ bói ra mới biết
Bao nhiêu chuyện xảy ra
Trong mấy năm vừa qua
Vì chuông đồng tất cả
Phải mau mau đem trả
Xin ngày mai lên đường
Từ ngày trả chuông đồng
Dâu bình thường trở lại
Rồi cả thằng cháu ngoại
Đứng dậy đi vào ra
Thật sung sướng cả nhà
Vội tìm thầy cảm tạ
Ơn của thầy lớn quá
091
Thật linh thiêng rõ ràng
Khác chi bắt được vàng
Không còn ngờ gì nữa
Cái đầu mình dang dở
Đã chịu lỗi quá nhiều
Giờ xin họ một điều
Được thắp hương vái tổ
Được khấn cầu với tổ
101
Xin phù hộ cho nhà
Được nạn khỏi tai qua
Cháu và con chóng khỏi
Chuông xin dâng trả lại
Cùng với cả tấm lòng
Của cả hai vợ chồng
Biết ơn này mãi mãi
Chuyện tưởng như huyền thoại
Nhưng là thực trăm phần
Hởi bà con xa gần
Trăm phần trăm là thật
111
Nào ai dám bịa đặt
Ra những chuyện thế này
Biết đâu dở là hay
Để đầy thân mang vạ
Nghe rồi mình chột dạ
Lâu nay cứ nghĩ rằng
Chết là lên vĩnh hằng
Hoá ra còn không mất
Ngẫm chuyện này, nhất nhất
Phải tin ở thánh thần
121
Đừng xem nặng chuyện trần
Mà bỏ quên tiền bối
Ai nghi ngờ nghĩ vội
Cứ nhắm mắt đưa chân
Rồi mang hoạ vào thân
Ách lại tròng vào cổ.