Translate

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

GỬI CÁI NỒI (Trích hồi ký)




Dạo đó chị Cúc anh Hữu tôi ở khu tập thể Văn phòng thủ tướng, tại số hai Thụy Khuê. Anh chị tôi ở tầng một, ông Vũ Kỳ ở tầng hai. Mới ra Hà Nội tôi ở với anh chị. Một hôm có bạn hẹn, đang định đi chơi Bờ Hồ, nghe nói có triễn lãm hay lắm. Nhà đi vắng hết, chị giao chìa khóa cho tôi. Vừa khóa cửa chuẩn bị đi thì có một ông mang đến cái nồi nhôm, bảo rằng cho tôi gửi cái nồi. Ông ta để cái nồi ở cạnh cửa, rồi bỏ đi.  Tôi chưa thể đi chơi ngay vì còn đứng trông nồi cho ông kia. Tôi ngồi đợi mãi, lỡ hẹn rồi, thôi đành vậy. Đến trưa vẫn không thấy ông ấy đến lấy nồi. Vừa lúc đó chị Cúc về. Tôi bảo có một người gửi cái nồi, em ngồi trông hộ suốt buổi sáng, chưa thấy lại lấy. Chị Cúc bảo nồi nhà mình đấy. Tôi hỏi thế tại sao lại gửi. Chị giải thích, gửi tức là trả đấy. Người ngoài này họ nói thế. Ối trời ơi, thế mà làm tôi mất cả buổi ngồi trông. Tôi cứ nghĩ gửi tức là của ông ấy, nhờ mình trông hộ. Các cháu về tôi kể lại chuyện, chúng nó cười lăn ra. Một đứa bảo cậu là dân nhà quê ra tỉnh mà.

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

CHUYỆN ÔNG CU MIÊN (Trích hồi ký, 1952 - 1954 )


Ông Cu Miên người Vĩnh Lộc nhưng ở khu Bên Làng. Nhà nghèo, thiếu đói. Một hôm ông cùng mọi người đi thuyền lên nguồn chặt củi. Sau khi chặt được mấy bó, đói bụng cồn cào. Bỗng ông thấy một cây có nhiều quả chín đỏ mọng, trông rất ngon. Ông hái đầy một nón, lấy một quả gặm ăn. Gặm được vài ba miếng thì sùi bọt mép, lăn ra, kêu ú ớ. Mọi người chạy đến, nhìn cảnh tượng, biết là ông ăn phải quả độc, vội vã khiêng ông ra thuyền chở về nhà. Khi người ta bế lên, ông còn tỉnh, bảo mọi người mang nón quả kia về nhà cho ông. Biết là ông sắp chết nên mọi người chiều ông, để ông về dưới âm phủ còn phù hộ. Họ mang nón quả ra thuyền, chèo về nhà. Về đến nhà, mấy đứa con ông thấy nón quả cây, thèm chảy nước bọt, đòi ăn. Ông Cu Miên thương con lắm, thều thào nói với các con: “Khoan đã, nếu bọ không chết các con mới được ăn”. Hai dòng nước mắt từ từ lăn trên má ông, hai mắt ông từ từ khép lại, rồi không bao giờ mở ra nữa.

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

CHUYỆN XEM PHIM
 Trích hồi ký - tùy bút của Nguyễn Bá Trinh




Thỉnh thoảng đoàn chiếu phim về chiếu ở quê tôi. Họ đến từ chiều, đi từ bến đò Cửa Hác đi lên đình Hòa Ninh, vừa đi vừa mở máy hát, có loa rất to. Hay được nghe nhất là bài “Tăng gia” : Mạ non khi đã nhổ về. Người dân cày mang gieo, gieo trên cánh đồng bát ngát.... Anh em ơi thợ thuyền bộ đội, bộ đội dân cày là anh em ơi, i a i à i ạ... Thế là người cả mấy xã Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Văn nghe. Tối đến người đi xem đông như kiến, không cần một thứ quảng cáo nào khác.

        Trước lúc chiếu phim bao giờ cũng có ông chủ tịch xã phát biểu. Được nói trước mi cờ rô,  hàng nghin người trông thấy, người trầm trồn, người vểnh tai. Ông chủ tịch trông chờ mãi buổi tối này. Vì thế ông nói rất hăng, nói chay, không cần văn bản. Trước hết là ông nói về Liên Xô, Trung Quốc, sau đó mới đến Việt Nam, rồi phe ta phe nó, ta đang thắng địch đang thua. Có nhiều hôm nói xong ông còn hứng chí hát luôn một bài.

Hàng ngàn người ngồi nghe im phăng phắc, mấy khi được nghe chuyện “thời sự”, lại toàn chuyện sắp ăn cỗ, sướng lắm. Có người vừa nghe vừa nuốt nước bọt. Chỉ khổ cho bọn con nít chúng tôi. Có thằng ngồi nghe, rồi gục luôn xuống bãi cỏ, ngáy khò khò. Có đứa sốt ruột quá, vãi đái ra quần. Ổng chủ tịch vừa phát biểu xong, tiếng vỗ tay rần rật. Bọn con nít chúng tôi vỗ to nhất. Sướng lắm, vì được xem phim rồi. Có hôm ông chủ tịch xã nói chưa đã nư, còn gõ cộp cộp vào mi cà rô rồi đằng hắng: tôi xin nói thêm.... Có người ngất xỉu, may có người bên cạnh xoa dầu cù là, tỉnh lại.

Phim hay xem dạo đó là của Trung Quốc, như: Dùng mưu chiếm Hoa Sơn, Báy chiến sĩ trên núi lang Nha. Phim Trung Quốc xem rất sướng, vì lúc nào quân ta cũng thắng. Quân nó lúc nào cũng thua, chết hết, họa hoằn lắm mới có vài thằng sống sót, xin hàng. Nhân vật thường hay xuất hiện nhất trong phim Trung Quốc là ông chính ủy, người gầy, đeo cái xà cột. Ông ta nói lúc nào cũng đúng. Lúc ra trận ông ta thường xông lên trước, với khẩu súng lục, nhưng không bao giờ chết.