Translate

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

XAY GIÃ GẠO THUÊ (Hồi ký)



Sau cải cách ruộng đất dân quê tôi đói lắm, bất cứ việc gì kiếm được dăm xu vài hào hay một nắm gạo đều đi làm, rẽ mạt cũng làm, còn hơn để rồi người ta khiêng ra đồng. Một trong những nghề cả làng cả xã cùng tham gia là nghề phát xay, nhận thóc ở kho nhà nước,  xay giã thành gạo rồi mang trả, với tỷ lệ nhất định.

     Hồi đó em Hinh đã ra Hà Nội, ở nhà chỉ có tôi và dì (mẹ kế). Tôi theo bà con xuống kho nhà nước ở Ba Đồn nhận thóc, mỗi tuần nhận khoảng một tạ. Sau khi nhận về, việc đầu tiên là xay. Xay xong là rê trước gió, trấu nhẹ nên bay xa, tách khỏi gạo lật. Gạo lật được mang giã. Giã bằng chày tay hoặc bằng chày đạp chân. Người Bong Bo giã gạo vì “Cách mạng cần nhiều gạo để đánh Mỹ”. Chúng tôi giã gạo vì mạng sống. Ở đây không có ánh lửa bập bùng, chỉ có đèn dầu hỏa, hoặc vừa giã gạo vừa ngắm chị Hằng, nhưng tiếng chày cũng cắc cum cùm cum hay hơn cả bản nhạc, cũng rộn rã suốt đêm. Ngoài chày tay, chúng tôi còn có chày chân, cối đạp chân. Cối đạp chân cấu tạo theo theo nguyên tắc đòn bẩy của Ac Si Mét. Cái nguyên lý mà có thể bẩy được cả quả đất, “nếu” có một điểm tựa. Gạo giã xong được sàng, được sàng sảy để lấy gạo nguyên trả cho kho, còn tấm cám phần mình.

Nghề phát xay này đã có từ lâu, bới thế có bài đồng giao: “Xay lúa Đồng Nai, cơm gạo phần ngài, tấm táp phần tôi”. Lượng gạo mang trả phải bảo đảm tỷ lệ quy định, khoảng 65 – 70 phần trăm so với thóc lúc nhận. Dân tôi có cái mánh là trước khi đi trả gạo, thường để gạo nơi có ẩm để tăng trọng lượng. Biết mánh đó, cán bộ bên kho thường cắn hạt gạo trước khi nhận. Gạo khô khó cắn còn gạo có độ ẩm cao rất bở, dễ cắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét