Translate

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

CHỨC DANH LÀNG TÔI



Làng tôi có một truyền thống gán chức danh tuyệt vời. Bất cứ ai, đã có gia đình là có một chức danh, không phải mất bất cứ một  khoản chi phí nào. Vừa mới cưới vợ hôm trước, hôm sau được nhận ngay chức danh “Mới”, anh mới, ả mới (chị mới). Nếu anh tên là Vĩnh, được gọi là anh Mới Vĩnh. Nếu chị tên là Lộc, được gọi là ả Mới Lộc. Chúc danh “Mới” được gọi cho đến khi có con. Nếu không cứ “mới”  mãi. Có anh chị Mới Khiên, đến 80 tuổi vẫn “Mới”.

        Có con rồi, chức danh thay đổi. Anh chị đẻ con trai đầu lòng, được gọi anh Cu, chị Cu. Nếu anh chị đẻ con gái đầu lòng, cả vợ chông đều được chức danh “Mẹt”. Nếu không may, đứa con đầu lòng không nuôi được, thần thánh hay ma quỷ gì đó bắt đi, thì anh chị được nhận chức danh “Cháu”. Thôi chức cu mẹt.
        Đấy là nói chức danh gia đình. Còn có loại chức danh xã hội. Không hiểu sao làng tôi ai cũng có chức danh đó. Từ đầu làng đến cuối xóm, nếu không là ông Cai thì Đoàn, không Đoàn thì Hội, Hương, Dịch, Lý, Cửu, Giang, Bộ, Bản, Tri, Câu, Do, Đái..., ví dụ như:
ông Bản In, ông Bản Én,
ông Bộ Đành, ông Bộ Thầm

Ông Cai Lậm, ông Cai Trợi, ông Cai Don

ông Câu Chắt, Câu Ậy

Ông Cửu Giáo, ông Cửu Thầm, ông Cửu Phướn

Ông Dịch Song, Dịch Nguyễn, ông Dịch Chắt

ông Đái Quyến, ông Đái Cừng

ông Giang Han, ông Giang Kệ,

ông Hội Hoài, Hội Nớng

ông Hương Thơ, ông Hương Hạp,

ông Lý Quỳnh, ông Lý Huệ

ông Tri Cầu, Tri Chệch...

        Một số chức danh là do đã giữ chức vụ hoặc phong tặng, như Lý là đã làm lý trưởng, Trợ là đã dạy học, Xếp là đã làm xếp xe lửa như ông Xếp Uông,  Ấm là do con quan. Nghè là danh tước vua ban. Khi anh Đóa Hòa Ninh, người đã từng vượt sông Đà để cứu thương binh trong chiến dịch Hòa Bình (1951-52), lấy con cụ Nghè Ân dưới Vĩnh Lộc, ông Trợ Pha có bài thơ tặng, trong đó có câu: “Trai ông Trợ, gái ông Nghè. Dưới làng trên xã, thuận lề lối xưa”.
        Cũng có trường hợp ngoại lệ. Đó là trường hợp ông Cử. Ông ta chỉ làm nghề chèo đò thôi, chưa đỗ cử nhân, nhưng người ta gọi là ông Cử vì tên ông là Cử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét